Liệu có tuột cơ hội "vàng" khoanh vùng, truy vết?
(ĐCSVN) - Cơ hội "vàng" khoanh vùng, truy vết, giúp dập dịch có thể đã tuột mất khi mà tới tận sáng ngày 2/8 đại diện VinCommerce mới chính thức thừa nhận có hàng loạt siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ tiếp xúc với nhân viên của nhà cung cấp Thanh Nga chuyên các sản phẩm thịt.
Trước đó, ngày 1/8, đơn vị này từng thông báo: “Như vậy, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về danh sách hàng trăm siêu thị/cửa hàng thuộc VinCommerce có tiếp xúc F0 của nhà cung cấp Thanh Nga và nguy cơ lây nhiễm là thông tin chưa chính xác. Điều này gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch”.
Trao đổi với phóng viên, chị Đinh Thị Phương, 36 tuổi, cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza, phường Mộ Lao, quận Hà Đông chia sẻ: “Trên nhóm Zalo riêng của chung cư, hàng chục người đang bức xúc, hoang mang bởi tối qua vẫn đi đến siêu thị VinMart bên khu Văn Quán. Giờ người mua hàng thành F2, xong cả chung cư là F3, việc trên là thiếu tôn trọng khách hàng của lãnh đạo chuỗi siêu thị. Việc không công khai thông tin sớm khiến chúng tôi không nắm được chính xác thông tin và chủ quan. Nếu F0 công ty Thanh Nga lây cho nhân viên các siêu thị thì dễ hiểu sẽ là nguy cơ nguồn lây cho nhiều khách hàng khác”.
Một cửa hàng VinMart+ trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Đức Thắng) |
Nhận định về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng sự tiện lợi của VinMart+ thì không phải bàn cãi, đồng thời các siêu thị VinMart với quy mô lớn, đón tiếp mỗi điểm cả trăm lượt người mua sắm mỗi ngày thì từng giờ đồng hồ đều phải được coi là quý hơn vàng. Dù cho VinCommerce đã dừng nhận hàng từ nhà cung cấp này nhưng việc chậm trễ công bố thông tin, không cho đóng cửa những địa điểm có nghi ngờ tiếp xúc với nhân viên của công ty Thanh Nga là hành vi khó có thể chấp nhận...
Lãnh đạo VinCommerce và quản lý cao nhất của các siêu thị, cửa hàng buộc phải biết và họ có khả năng nhận biết việc chậm trễ công bố thông tin, hoặc che giấu thông tin liên quan đến các ca F1, F2 là hành vi gây nguy hiểm cho những người mua sắm, người tiêu dùng, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, họ im lặng và công bố thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác khiến nhiều người vẫn ung dung mua sắm bình thường trước khi có động thái chính thức công bố ngày 2/8.
Cùng với các hệ thống Lotte, Co.op Mart, BigC, Aeon Mall… thì VinMart và VinMart+ là địa điểm mua sắm rất thường xuyên các nhu yếu phẩm của người dân Thủ đô. Nếu kết quả xét nghiệm F1, F2 mà dương tính với SARS-CoV-2, đương nhiên hành vi của tổ chức này và các cá nhân liên quan thỏa mãn “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Trường hợp không có ca nhiễm liên quan đến chuỗi siêu thị, cửa hàng này thì cơ quan chức năng vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp.
Dù cho các nghiên cứu khoa học gần đây chứng minh virus có khả năng sống trong thịt đông lạnh hơn 3 tuần, ít nguy cơ lây nhiễm, nhưng với biến thể Delta mới này thì mọi giới hạn của hiểu biết về sự sống, về sự đáng sợ của loại virus này đều hoàn toàn có thể bị phá vỡ. Do đó, cơ quan chức năng cần phải làm rõ và đầy đủ về số lượng thịt tươi sống có được niêm phong để tiêu hủy ngay sau khi VinCommerce biết được thông tin về các ca F0 của công ty Thanh Nga hay không?
Lực lượng chức năng làm việc tại chốt phong tỏa ngõ 651 Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, nơi có trụ sở công ty Thanh Nga. (Ảnh: Lê Phú) |
Đứng trên quan điểm của người tiêu dùng và người trong nghề, chị Lê Kim Liên, 52 tuổi, công tác tại tạp chí Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), bày tỏ, đối với một doanh nghiệp mà không đứng về phía bảo vệ quyền lợi sức khỏe cho khách hàng, quá coi thường khách hàng như thế là thiếu đạo đức kinh doanh. Một doanh nghiệp mà bất chấp sức khỏe, coi thường "thượng đế" như vậy thật đáng lên án.
Theo CDC Hà Nội, tính đến sáng 3/8 đã ghi nhận 40 trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2 liên quan đến công ty thực phẩm Thanh Nga tại địa chỉ ngõ 651 Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, kéo theo việc công bố danh sách 55 khách sạn, siêu thị, cửa hàng tiện ích, bệnh viện liên quan đến công ty này trên địa bàn 12 quận/huyện.
Có thể nói, đây là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam về quy trình kiểm duyệt nguồn hàng cũng như yêu cầu bắt buộc công bố thông tin khẩn cấp về dịch bệnh nếu không may xảy ra./.