Liên tiếp xảy ra 5 trận động đất tại Kon Tum trong sáng 7/2
(ĐCSVN) – Chỉ trong sáng nay (7/2), 5 trận động đất liên tiếp đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum, Tây Nguyên. Trong đó trận mạnh nhất có độ lớn 4.0, có thể cảm nhận được rung chấn trên mặt đất.
Tâm chấn (dấu sao) trận động đất mạnh 4.0 độ sáng nay (7/2) tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TT |
Thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) ngày 7/2 cho biết, liên tục 5 bản tin động đất được ghi nhận tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum trong sáng nay. Các trận động đất đều không có rủi ro thiên tai.
Trận động đất lớn nhất được Viện Vật lý địa cầu ghi nhận xảy ra lúc 10 giờ 11 phút 50 giây ngày 7/2 (giờ Hà Nội) có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.860 độ vĩ Bắc, 108.270 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.
Chỉ khoảng hơn 1 tiếng sau trận động đất này, 4 trận động đất liên tiếp có độ lớn: 3,3; 2.8; 2.5 và 3.7, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1-10.1 km cũng được ghi nhận tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trong gần 3 năm qua, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là điểm nóng xảy ra động đất ở Việt Nam với hàng trăm trận động đất ghi nhận được, gấp nhiều lần số trận động đất ghi nhận được ở khu vực này trong hơn một thế kỷ trước. Trong đó trận mạnh nhất có độ lớn 4.7, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn, gồm Đà Nẵng và một số tỉnh Nam Trung Bộ.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.
Mới đây tại khu vực Kon Plông đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.
Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này; đồng thời các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh này; đồng thời thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân./.