Liên tiếp 5 trận động đất tại tỉnh Kon Tum
(ĐCSVN) – Liên tiếp 5 trận động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.
Bản đồ tâm chấn động đất vào lúc 14h 19 phút hôm nay (5/8). Ảnh: Viện Vật lý địa cầu |
Ngày 5/8, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần- Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã ghi nhận 5 trận động đất có độ lớn từ 2.7 đến 3.4 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, với độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Các trận động đất này được đánh giá thuộc cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Trước đó, trong hôm qua (4/8), hệ thống của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cũng đã ghi nhận 3 trận động đất có độ lớn từ 2.6 đến 2.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), đoàn công tác của Viện đã có mặt tại huyện Kon Plông, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm chấn, nhằm giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra.
Đoàn công tác đã khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kỹ năng ứng phó với động đất tại địa điểm bị tác động của động đất như các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng.
Ngày 5/8, đoàn tiếp tục đến các thôn làng tuyên truyền cho người dân trong vùng động đất để ổn định tâm lý, đời sống bà con.
Theo Viện Vật lý Địa cầu, Viện sẽ thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này; đồng thời, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông. Người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh; thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân./.