Liên hợp quốc thừa nhận thế giới chưa đảm bảo tốt cho tương lai của trẻ em
Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Michelle Bachelet (Mi-sên Ba-chê-lết) nhấn mạnh thế giới vẫn chưa đảm bảo tốt cho tương lai của trẻ em khi tình trạng trẻ chết non, là nạn nhân của đói nghèo, bị bán và làm nô lệ vẫn còn xảy ra ở một số nước thành viên đã ký Công ước về Quyền trẻ em.
tránh xung đột ở Tây Mosul. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Phát biểu tại phiên họp lần thứ 80 của Ủy ban LHQ về Quyền trẻ em ở Geneva (Thụy Sĩ), nhân kỷ niệm 30 năm ngày Công ước ra đời, dù ghi nhận những tiến bộ quan trọng mà Công ước mang lại, như việc bảo vệ trẻ em được luật hóa ở nhiều nước, nhưng bà Bachelet cho rằng không phải quốc gia nào cũng nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo cho trẻ được sống và phát triển.
Nêu rõ thực trạng trẻ em hiện vẫn bị coi là những người thụ động nhận sự chăm sóc, tiếng nói của trẻ vẫn chưa được chú ý và thậm chí còn bị phớt lờ, Cao ủy Bachelet kêu gọi các quốc gia nỗ lực thực hiện 4 nguyên tắc chủ đạo của Công ước về Quyền trẻ em, bao gồm không phân biệt đối xử với trẻ, vì quyền lợi tốt nhất của trẻ, đảm bảo quyền được sống và phát triển của trẻ, và quyền được lắng nghe của trẻ. Theo đó, cần tôn trọng, lắng nghe các ý kiến, giải pháp và đề xuất của các em.
Đề cập đến chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững mà lãnh đạo các nước đã thông qua hồi tháng 9/2015, người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ cho rằng việc thực hiện những cam kết này chưa đạt hiệu quả. Chẳng hạn như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ước tính khoảng 60 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trong giai đoạn 2017-2030 do những nguyên nhân lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được.
Về vấn đề trẻ bị buôn bán và phải làm nô lệ, bà Bachelet cho biết có tới 5,5 triệu trẻ vị thành niên bị buộc lao động như nô lệ trong nhà, bị biến thành nô lệ tình dục và cưỡng ép tảo hôn. Lời khai nhân chứng mà nhiều tổ chức và nhân viên LHQ thu thập được cho thấy những nguy cơ này đối với trẻ em nhập cư và trẻ em sống tha hương thậm chí còn cao hơn nữa.
Theo số liệu của Cơ quan kiểm soát ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), cứ 3 nạn nhân bị buôn bán lại có một người là trẻ em và các đối tượng xấu đang lợi dụng sự phát triển của công nghệ ngày nay để các chợ ảo trực tuyến nhằm quảng bá cho các mạng lưới buôn bán trẻ em. Thêm vào đó, những cuộc chiến vũ trang khắp nơi trên thế giới cũng làm tổn thương hàng triệu trẻ nhỏ.
Theo thống kê năm 2016 của LHQ, có hơn 20.000 trẻ em trai và trẻ em gái đã bị buộc tham gia các nhóm vũ trang như những chiến binh hoặc như những nô lệ./.