Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Liên hợp quốc cảnh báo kịch bản Israel tấn công Rafah

Thứ Bảy, 04/05/2024 15:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 3/5, Văn phòng nhân đạo và cơ quan y tế của Liên hợp quốc cảnh báo việc Israel tấn công quân sự thành phố Rafah ở phía Nam Gaza có thể dẫn đến một cuộc tàn sát và làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo trong khu vực.

Khói bốc lên sau một vụ nổ ở Dải Gaza. (Ảnh: Getty Images)

Hiện thành phố Rafah là nơi tập trung nhiều hoạt động nhân đạo ở Gaza sau nhiều tháng hứng chịu các đợt không kích mạnh từ Israel, gây nhiều thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đang lo ngại về những nguy cơ khó lường khi hồi đầu tuần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ ở Rafah, ngay cả khi đứng trước triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Israen tấn công Rafah?

Hàng trăm nghìn người sẽ thiệt mạng…

Với việc tiếp nhận hơn 1,2 triệu người tị nạn, hệ thống y tế vốn đã mong manh của Rafah sẽ không thể chống đỡ được trước những cuộc tấn công của Israel.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Ganeva (Thụy Sĩ), người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc - ông Jens Laerke cảnh báo hàng trăm nghìn người ở Gaza có thể sẽ bị thiệt mạng nếu bị tấn công.

 “Đó có thể là một cuộc tàn sát thường dân và là một đòn giáng mạnh vào các hoạt động nhân đạo trên toàn bộ dải đất Gaza” - ông Laerke nói.

Giữa lúc chiến sự bước sang tháng thứ 6 liên tiếp, Gaza đang phụ thuộc vào các hoạt động viện trợ nhân đạo để đáp ứng nhu cầu hàng ngày cho người dân nơi đây, từ thực phẩm, nước uống, y tế, đến các thiết bị vệ sinh…

Trong bối cảnh trên, đại diện Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Bờ Tây và Gaza - ông Rik Peeperkorn cho biết cơ quan này đã lập kế hoạch dự phòng có tên gọi “Cứu giúp” (Band-Aid) để sẵn sàng ứng phó với một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn tiềm tàng nhằm vào Rafah. Tuy nhiên, cũng theo ông Peeperkorn thì kế hoạch này chỉ là tạm thời và cũng không thể ngăn chặn thảm họa nhân đạo đi xuống ở Gaza do hậu quả của tấn công quân sự. 

…Áp lực khủng hoảng nhân đạo gia tăng

Theo cảnh báo của WHO, một làn sóng di dời mới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải, gia tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên như thực phẩm, nước uống và khả năng chăm sóc sức khỏe ở Gaza. Điều này sẽ gây ra nhiều đợt bùng phát dịch bệnh hơn, làm trầm trọng thêm nạn đói và dẫn đến thiệt hại thêm về mạng sống con người.

Cơ quan y tế có trụ sở tại Geneva cho biết, hiện chỉ có 33% trong số 36 bệnh viện cùng với 30% trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu vẫn còn duy trì hoạt động cầm chừng ở Gaza trong điều kiện bất ổn, thiếu nguồn cung cấp y tế, nhiên liệu và nhân viên quan trọng.

 Dân thường là những nạn nhân đau khổ trong cuộc xung đột ở Gaza. (Ảnh: aa.com.tr)

Trong thông cáo báo chí đăng trên mạng xã hội X ngày 4/5, Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc về người Palestine (UNRWA) cảnh báo cuộc xung đột ở Gaza, nếu còn tiếp diễn sẽ trở thành một cuộc chiến chống lại phụ nữ. Cũng theo UNRWA, hơn 10.000 phụ nữ đã thiệt mạng và 19.000 người khác bị thương trong các cuộc tấn công đang diễn ra của Israel vào Gaza. Trung bình mỗi ngày, có tới 37 trẻ em ở Gaza bị mất mẹ do xung đột.

Ngoài ra, UNRWA cũng lưu ý điều kiện sống đặc biệt nghiêm trọng của hơn 155.000 phụ nữ mang thai hoặc cho con bú ở Gaza. Đây cũng là những người gặp khó khăn tột độ trong việc tiếp cận nguồn nước và các cơ sở y tế.

Trong khi đó, Cơ quan y tế Gaza, ngày 4/5, cho biết số người chết vì các cuộc tấn công của Israel vào dải đất hẹp ven Địa Trung Hải từ tháng 10/2023 hiện đã tăng lên 34.622, cùng với hơn 77.867 người khác bị thương. Chỉ trong 24 giờ qua, Israel đã thực hiện 3 cuộc tấn công ở Gaza, khiến 26 người thiệt mạng và 51 người bị thương phải nhập viện./.

T.Lan (Theo Xinhua, IANS)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN