Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Liên hợp quốc: 2 tỷ phụ nữ, trẻ em gái trên thế giới không được tiếp cận với bảo trợ xã hội

Thứ Tư, 16/10/2024 17:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 15/10, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) công bố số liệu thống kê đáng quan ngại khi có tới 2 tỷ phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới không được tiếp cận bất kỳ hình thức bảo trợ xã hội nào.

Ảnh minh họa. Nguồn: WFP 

Báo cáo "Khảo sát thế giới về vai trò của phụ nữ trong phát triển năm 2024" đã chỉ ra khoảng cách giới ngày càng lớn trong bảo trợ xã hội, gồm một loạt các chính sách bao gồm trợ cấp tiền mặt, bảo vệ thất nghiệp, lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Thực tế này khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành nạn nhân của tình trạng đói nghèo hơn so với nam giới.

"Khảo sát thế giới về vai trò của phụ nữ trong phát triển" được trình bày 5 năm một lần cho Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm tạo cơ hội duy nhất đưa các vấn đề bình đẳng giới vào chương trình nghị sự về chính sách kinh tế cũng như nêu quan điểm về nhân quyền và phát triển bền vững.

Báo cáo "Khảo sát thế giới về vai trò của phụ nữ trong phát triển năm 2024" được đưa ra trước Ngày Quốc tế xóa nghèo năm nay (17/10/2024) nhằm nêu bật khoảng cách giới ngày càng gia tăng trong các hoạt động bảo trợ xã hội.

Báo cáo chỉ ra rằng, trong khi mức độ bảo trợ xã hội đã tăng lên kể từ năm 2015, khoảng cách giới trong các lĩnh vực nêu trên đã gia tăng ở hầu hết các khu vực đang phát triển, cho thấy những thành quả gần đây đã mang lại lợi ích không cân xứng cho phụ nữ và nam giới. Điều này đang gây nguy cơ cho tiến trình hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững 5 (SDG 5).

Bất chấp những tiến bộ đã đạt được, hơn 63% phụ nữ trên toàn thế giới vẫn sinh con mà không được hưởng chế độ thai sản, trong khi con số này ở khu vực Châu Phi cận Sahara là 94%. Việc thiếu hỗ trợ tài chính trong thời gian nghỉ thai sản không chỉ khiến phụ nữ gặp bất lợi về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của họ cũng như con cái họ, kéo dài tình trạng nghèo đói qua nhiều thế hệ.

Báo cáo của UN Women cho thấy một bức tranh “khắc nghiệt” về bản chất giới tính của tình trạng đói nghèo. Phụ nữ và trẻ em gái chiếm số lượng áp đảo trong số những người nghèo ở mọi giai đoạn của cuộc sống, với khoảng cách lớn nhất trong những năm sinh nở. Phụ nữ trong độ tuổi 25-34 có khả năng sống trong các hộ gia đình nghèo cùng cực cao hơn 25% so với nam giới trong cùng nhóm tuổi. Trong khi xung đột và biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng này.

Người đứng đầu Bộ phận Chính sách, Chương trình và Liên chính phủ tại UN Women – bà Sarah Hendriks lưu ý: "Tiềm năng của công tác bảo vệ xã hội đối với bình đẳng giới, khả năng phục hồi và chuyển đổi là rất lớn. Để khai thác điều này, chúng ta cần tập trung vào phẩm giá, quyền tự quyết và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở mọi giai đoạn của quá trình - từ hình thành chính sách và chương trình đến thực hiện và tài trợ".

Ngoài việc chỉ ra những bất bình đẳng về giới trong quá trình phát triển, báo cáo của UN Women đã nêu bật các ví dụ về tiến bộ đạt được ở một số nước. Trong đó các quốc gia như Mông Cổ đã mở rộng chế độ nghỉ thai sản cho người lao động phi chính thức, bao gồm người chăn nuôi và người tự kinh doanh, đồng thời kéo dài chế độ nghỉ phép nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong trách nhiệm chăm sóc con cái. Ở các quốc gia như Mexico và Tunisia, nhiều biện pháp cụ thể đã được thực hiện nhằm nâng cao vai trò của người giúp việc trong hệ thống an sinh xã hội.

Từ những dẫn chứng nêu trên, báo cáo của UN Women kêu gọi chính phủ các nước trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái những con đường thoát nghèo bền vững, bằng cách ưu tiên nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong các biện pháp bảo trợ xã hội và ứng phó với khủng hoảng./.

T.Lan (Theo UN, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN