Liên hoan kịch nói toàn quốc 2024
(ĐCSVN) - Tối 11/6, tại TP Thái Nguyên đã diễn ra Lễ Khai mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024. Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên; Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.
Hình ảnh trong vở kịch Bến nước thời gian. |
Liên hoan kịch nói toàn quốc quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập đủ điều kiện tham gia. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 11/6 đến ngày 26/6 với 23 vở diễn hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả yêu kịch những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
Thành viên Hội đồng nghệ thuật gồm: NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng; NSND Trần Thị Minh Hòa, Nguyên Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội; NSND, Nhạc sỹ Trọng Đài; GS. TS Lê Thị Hoài Phương; TS. Đạo diễn Lê Mạnh Hùng - Nguyên Trưởng khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Nhà Viết kịch Chu Thơm - Thành viên và NSND Nguyễn Đạt Tăng.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 là một trong những hoạt động cụ thể triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng đã đề ra nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; đồng thời là hoạt động góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng về "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiếp thu tinh hoa nhân loại; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc" và nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 nhằm phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật Kịch nói; là dịp để các đơn vị nghệ thuật Kịch nói bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật Kịch nói phục vụ nhân dân.
Đồng thời, Liên hoan là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động của nghệ thuật Kịch nói, kịp thời đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật Kịch nói phát triển phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới của nhân dân cả nước.
BTC tặng hoa Hội đồng nghệ thuật. |
Tại Lễ Khai mạc, vở kịch "Bến nước thời gian" của Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã được chọn biểu diễn mở màn. Vở kịch được tác giả Tạ Xuyên chuyển thể từ tác phẩm "Mười ba bến nước" của Nhà văn Sương Nguyệt Minh, xoay quanh những số phận con người thời hậu chiến. Đó là Lãng (Anh Tú đóng) sau khi trở về từ chiến trường, tưởng như sẽ được hạnh phúc bên gia đình, lại phải đối diện với bi kịch đau đớn, bởi mang trong mình chất độc da cam quái ác.
Sao - vợ Lãng (Lương Thu Trang đóng) vốn nổi tiếng xinh đẹp, nết na, đám cưới được 2 ngày thì chồng đi chiến đấu biền biệt, nhiều năm không về. Cô vừa phải đối diện với những khao khát được làm vợ, phải giữ mình trước sự ve vãn, săn đón của những đàn ông trong làng, trong đó có Tào (Thanh Sơn đóng).
Sự theo đuổi quyết liệt của Tào khiến Sao bị điều tiếng, dư luận nghi ngờ cô ngoại tình. Cho đến khi chồng cô trở về, những tưởng cô sẽ được sống hạnh phúc để bù đắp những thiệt thòi đã phải chịu đựng. Nhưng hết lần này đến lần khác, những đứa con không thành hình người do chất độc da cam đã đẩy cuộc sống của cô vào tận cùng đau đớn…
"Bến nước thời gian" là câu chuyện về những mất mát hy sinh của những người phụ nữ ở hậu phương. Bên cạnh nỗi nguy hiểm đang rình rập của bom đạn, sự mòn mỏi đợi chờ còn là những di họa khôn lường mà chất độc hóa học gây ra cho thế hệ sau, khiến những người làm vợ, làm mẹ vào sự bất hạnh không thể bù đắp.
Bên cạnh 3 nhân vật chính, những nghệ sỹ như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, NSƯT Bá Anh, NSƯT Thanh Bình, Anh Thơ, Thanh Dương, Chí Huy, Thanh Tú, Thùy Dung, Du Ka… với diễn xuất ăn ý, khả năng hóa thân, sáng tạo đã cùng làm nên một bản hòa tấu giữa nước mắt, nụ cười với nhiều cung bậc cảm xúc./.