Liban: Bức tượng làm từ những mảnh vỡ trong vụ nổ tại cảng Beirut
(ĐCSVN) - Từ nhiều tháng qua, Liban đã chìm trong những bất ổn chính trị, kinh tế suy sụp và đợt bùng phát dịch COVID-19. Tháng 8 vừa qua, thủ đô Beirut của nước này đã phải hứng chịu một vụ nổ kho dự trữ amoni nitrat, khiến 190 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương và hơn 300.000 người mất nhà cửa.
Kênh truyền hình CNN dẫn lời nghệ sĩ Hayat Nazer, 33 tuổi, cho biết: "Vụ nổ đã khiến trái tim tôi tan nát. Tôi đã bị khủng hoảng nhưng thành thật mà nói, tất cả người Liban đều bị tổn thương."
Giống như nhiều cư dân khác ở Beirut, cô đã tham gia dọn sạch các mảnh vỡ và tái thiết lại thành phố. Từ đây, cô nảy ra ý tưởng sử dụng những gì cô tìm thấy trong đống đổ nát để tạo ra bức tượng có thể truyền cảm hứng, giúp mọi người đoàn kết và cùng xây dựng lại thành phố.
Trong nhiều tuần, Nazer đi lang thang khắp thành phố để thu thập các mảnh kim loại, thủy tinh và đồ bỏ đi tại các hộ gia đình đi để thực hiện tác phẩm điêu khắc.
Bức tượng được hoàn thành từ nguyên liệu trong vụ nổ tại Beirut tháng 8/2020. (Ảnh: CNN) |
"Tôi đã đến nhà của mọi người và nói với họ "hãy cho tôi bất kỳ thứ gì để tôi có thể biến chúng thành một phần của tác phẩm điêu khắc của tôi’" - Nazer kể lại.
Từ những vật liệu thu được, Nazer đã tạo ra bức tượng một người phụ nữ đang giơ cao lá cờ của Liban. Một trong những vật liệu làm nên bức tượng này là một chiếc đồng hổ bị hỏng vào lúc 6h08, thời điểm xảy ra vụ nổ.
"Sau vụ nổ, chúng ta có thể xây dựng lại nhà cửa, công trình nhưng lại không thể xây dựng lại ký ức. Điều đó đã khiến dự án này trở nên đặc biệt. Chúng tôi đã cất cao tiếng nói của mình bằng nghệ thuật. Chúng tôi đang kể câu chuyện của chính mình" - Nazer nhấn mạnh.
Bức tượng không phải là tác phẩm đầu tiên của Nazer. Trước khi vụ nổ xảy ra, cô đã bỏ công việc trong ngành truyền thông để tập trung vào sự sáng tạo nghệ thuật với mong muốn có thể truyền cảm hứng cho nhiều người. Các tác phẩm của cô bao gồm những tác phẩm điêu khắc từ nguyên liệu tái chế, graffiti hay tranh vẽ trên vải.
Vào năm 2019, cô đã hoàn thành tác phẩm điêu khắc lấy tên "Phượng hoàng" làm từ những chiếc lều bị phá trong một biến động chính trị. Tác phẩm miêu tả loài chim thần thoại bay lên từ đống tro tàn.