Lễ khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
(ĐCSVN) - Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hình thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, phát huy tối đa lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành; qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tạo động lực để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Lễ khởi công. |
Ngày 18/6, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và Đồng Nai tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Tham dự Lễ khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; cùng đại diện Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Tài chính; lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai…
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km; sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 3 với chiều dài khoảng 19,5 km đi qua địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án thành phần 3: Km34+200, tại đường Tô Đình Nguyệt, xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), giáp ranh với địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu. Điểm cuối tại nút giao QL56 thuộc xã Hòa Long (TP.Bà Rịa).
Dự án thành phần 3 đi qua địa phận TX.Phú Mỹ khoảng 15,5km (các xã Mỹ Xuân, xã Tóc Tiên, xã Châu Pha và phường Hắc Dịch); TP.Bà Rịa khoảng 4km (các xã Tân Hưng, Hòa Long).
Quy mô đầu tư, theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc TCVN 5729-2012, tốc độ thiết kế V=100km/h. Giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75- 27,00m. Giai đoạn hoàn thiện, mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe cao tốc.
Dự án do Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải làm chủ đầu tư, dự kiến đưa vào khai thác trước 30/12/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại Lễ khởi công. |
Phát biểu tại Lễ khởi công, đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết: Hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để khởi công dự án.
Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt 90%. Tỉnh đã bố trí đủ vốn ngân sách tỉnh để thực hiện các nội dung công việc thuộc nhiệm vụ của địa phương; hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án như lựa chọn, ký hợp đồng với nhà thầu, chuẩn bị sẵn nguồn nguyên vật liệu, bảo đảm có thể triển khai thi công dự án ngay sau lễ khởi công.
Đồng chí Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh: Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu là dự án giao thông trọng điểm mà Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154 của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ, xác định đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm mở ra tuyến giao thông kết nối các địa phương trong khu vực với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, giúp giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến QL51 hiện hữu. Khi công trình đưa vào hoạt động, thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Bà Rịa dự kiến rút xuống chỉ còn 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án. |
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hình thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, phát huy tối đa lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tạo động lực để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
*Sáng cùng ngày 18/6, tại thị xã Phú Mỹ, Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức khời công Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
Dự án cầu Phước An có tổng chiều dài khoảng 4,4km. Trong đó phần cầu dài hơn 3,5km, thiết kế nhịp chính có hình dạng “cánh buồm”. Đường dẫn lên cầu dài 247m. Đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài hơn 600m.
Tổng mức đầu tư dự án gần 4.900 tỉ đồng, trong đó giá xây lắp hơn 3.800 tỉ đồng. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 15,53ha; trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu 6,87ha, Đồng Nai 8,66ha.
Phối cảnh cầu Phước An |
Dự án chia làm 5 gói thầu xây lắp chính gồm: Gói thầu số 38, xây lắp hạng mục cầu dẫn từ đầu tuyến đến trụ dẫn T36-T37; gói thầu số 39, xây lắp hạng mục cầu chính từ trụ T37 đến trụ T40; gói thầu số 40, xây lắp cầu dẫn từ trụ T40-T41 đến trụ T62; gói thầu số 41, xây lắp cầu dẫn từ trụ T62 đến mố M75 và đường dẫn; gói thầu số 42, xây lắp hạng mục bê tông nhựa và chiếu sáng toàn cầu.
Gói thầu 38 đã tổ chức lễ động thổ vào cuối năm 2022 và hiện các nhà thầu đang khẩn trương triển khai thi công. Tiến độ dự án 5 năm kể từ ngày động thổ công trình (từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2027).
Trước đó, ngày 17/6, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tổ chức khởi công Dự án Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994)
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cùng với các dự án giao thông quan trọng như: Tuyến giao thông kết nối đường bộ cao tốc từ nút giao QL56, TP Bà Rịa đến vòng xoay 51B,C, TP Vũng Tàu, cầu Phước An và ĐT 994 … sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông thông suốt, hiện đại, gắn kết hạ tầng nội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và kết nối địa phương này với vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, tạo nên những tuyến giao thông quốc gia, quốc tế quan trọng./.