Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc diễn ra từ ngày 5 đến 15/9

Thứ Năm, 01/09/2022 18:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Năm 2022, có 3 nghi lễ chính: Lễ tưởng niệm 580 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; lễ khai ấn và ban ấn; Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Tuần Văn hóa du lịch mùa thu Kiếp Bạc năm 2022 (nét mới trong lễ hội mùa thu năm nay).

Hình ảnh tái hiện trận chiến năm 1285, nơi 20 vạn quân nhà Trần với hơn 1.000 chiến thuyền đã chiến đấu chống 30 vạn quân Nguyên, bảo vệ bờ cõi Đại Việt... 

Trong 133 di tích xếp hạng quốc gia thì khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) được coi là trung tâm văn hóa lớn, hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông xưa.

Chính nơi đây từng diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước từng sinh thành, hun đúc những bậc hiền tài, lập nên nghiệp lớn. Bởi vậy, vào mùa xuân, mùa thu hàng năm, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc và ước nguyện của nhân dân mọi miền đất nước hướng về cội nguồn.

"Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" là câu ca nhớ về lễ hội tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày lễ hội thờ Mẫu Liễu Hạnh. Hai vị là người cha, người mẹ thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc.

Trong quan niệm dân gian, mùa thu tượng âm, tháng Tám giữa thu là chính âm. Đức Thánh Trần Hưng Đạo là cha tượng dương, lễ hội giỗ cha vào tháng Tám là âm dương hoà hợp. Âm dương hoà hợp thì vạn vật sinh sôi, nẩy nở. Mùa màng cây cối tốt tươi, vạn sự hanh thông. Lễ hội ở thời điểm chính âm được coi là càng linh thiêng hơn, mọi sự kêu cầu đức Thánh ở lễ hội tháng Tám sẽ được linh ứng. Cho nên trong 3 tháng mùa thu (tập trung vào tháng Tám) nhân dân cả nước lần lượt về đền Kiếp Bạc làm lễ rất đông. Lễ hội tháng Tám vì thế cũng được gọi là lễ hội mùa thu đền Kiếp Bạc.

Năm 2022, theo Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, Lễ hội năm nay dự kiến sẽ được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 5 đến 15/9 (tức ngày 10 đến 20/8 âm lịch).

Lễ hội năm nay sẽ được mở đầu bằng Lễ dâng hương và tế Cáo yết vào ngày 5/9 (tức 10/8 âm lịch). Các hoạt động chính của lễ hội sẽ diễn ra tập trung từ ngày 10 đến ngày 15/9 (tức 15 đến 20/8 âm lịch).

Liên hoan diễn xướng hầu thánh sẽ diễn ra ngày 10/9. Các hoạt động như lễ tưởng niệm 580 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi; giải đua thuyền truyền thống; trình diễn nghệ thuật múa rối nước; khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch hội Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc; lễ khai và ban ấn đền Kiếp Bạc sẽ diễn ra ngày 11/9.

Ngày 12/9 sẽ diễn ra Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; Lễ hội quân trên sông Lục Đầu.

Ngày 13/9 sẽ diễn ra lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu. Ngày 15/9 sẽ diễn ra lễ rước bộ và lễ giỗ Đức thánh Trần…

Nét mới của lễ hội năm nay là Hải Dương sẽ tổ chức Tuần văn hóa-du lịch hội Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc."

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2022  chủ trì phiên họp rà soát công tác chuẩn bị Lễ hội. (Ảnh: Tiến Huy)

Đến nay, công tác chuẩn bị Lễ hội đã được triển khai khẩn trương, chu đáo. Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, đơn vị đã treo 30 băng rôn tuyên truyền về lễ hội tại 2 khu di tích, 50 băng rôn trên tuyến đường từ TP Hải Dương về TP Chí Linh và đường vào 2 khu di tích.

Đến ngày 1/9, Ban tổ chức đã cắm, trang trí 2.000 lá cờ hội, hồng kỳ, 1.000m cờ dây, 500 đèn lồng, 200 phướn Phật tại khuôn viên, các đường vào di tích, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, hồ Côn Sơn…

Đồng thời hoàn thiện 9 dàn ảnh trưng bày về di tích, lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc đặt tại sân chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, tả-hữu hành lang đền Kiếp Bạc, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ngoài ra, đã sửa chữa, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng và điện màu trang trí tại điểm di tích, tuyên truyền về lễ hội trên bảng điện tử tại TP Chí Linh.

Hoàn thiện quầy thông tin du lịch, tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hải Dương và khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc. Trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ cung cấp cho du khách hàng nghìn ấn phẩm, tờ gấp các loại.

Ban Quản lý đã phối hợp với phường Cộng Hòa, xã Lê Lợi, xã Hưng Đạo, Lữ đoàn 490 huy động trên 600 người phục vụ lễ rước văn tại Côn Sơn và chuẩn bị 50.000 ấn phục vụ lễ khai ấn  ban ấn ngày 11.9 (16.8 âm lịch). Lễ hội quân trên sông Lục Đầu ngày 17.8 âm lịch sẽ có sự phục vụ của 20 tàu, thuyền, 300 võ sinh Nhất Nam...

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2022 cho biết, Hải Dương xác định đây là lễ hội lớn của tỉnh cũng như cả nước, vì vậy cần tập trung tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; giới thiệu, quảng bá về khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc trong quá trình tỉnh Hải Dương cùng với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.

Để đảm bảo Lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đồng chí Nguyễn Minh Hùng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần bắt tay ngay và tham mưu cho Ban Tổ chức chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức các nghi lễ truyền thống bảo đảm trang trọng, an toàn. Có 3 nghi lễ chính: Lễ tưởng niệm 580 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; lễ khai ấn và ban ấn; Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Tuần Văn hóa du lịch mùa thu Kiếp Bạc năm 2022 (nét mới trong lễ hội mùa thu năm nay). Việc tổ chức cần thực hiện theo đúng các nghi lễ truyền thống đã được phục hồi nhằm tôn vinh công đức của các danh nhân và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Cân đối hài hoà giữa phần lễ và phần hội, gắn các hoạt động với nhiệm vụ giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích.

Đồng chí cũng yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền trước, trong, sau lễ hội và suốt quá trình tỉnh Hải Dương cùng các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Các tiểu ban: nội dung, tuyên truyền; lễ tân, khánh tiết, hậu cần; an ninh trật tự thực thực hiện tốt các nội dung chương trình lễ hội. Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, cháy rừng, hỏa hoạn. Nghiêm cấm và xử lý dứt điểm các hiện tượng mê tín dị đoan, ăn xin, trộm cắp, chèo kéo khách, bảo đảm môi trường văn hóa trong khu di tích. Tổ chức tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ nhân dân…./.

 

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN