Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ - vụ Xuân năm 2022
(ĐCSVN) - Ngày 13/6, UBND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ - vụ Xuân năm 2022. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ và tỉnh Hải Dương cùng dự Lễ hội.
Tứ Kỳ có vị trí địa lý đặc biệt giáp với cửa biển Thái Bình và Văn Úc của Thành phố Hải Phòng, tạo môi trường nước lợ độ mặn 0,3-0,5%, thích hợp cho đặc sản rươi, cáy, cà ra phát triển đã tạo ra vùng đất bãi ngoài đê sông Thái Bình, Sông Luộc màu mỡ sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy đặc sản 257ha tại các xã Bình Lãng, Chí Minh, An Thanh, Cộng Lạc, Quang Trung, Nguyên Giáp, Hà Thanh.
Dân gian lưu truyền câu ca "Tháng chín đôi mươi tháng 10 mồng 5" là nói về mùa thu hoạch rươi. Cáy mùa thu hoạch từ tháng 3-9 Âm Lịch. Cà ra (thu tháng 9,10 Âm lịch) và rạm (thu tháng 4,5 Âm lịch) cũng là đặc sản nổi tiếng của vùng này.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng thăm ruộng lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ. |
Theo Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Vũ Thị Hà, để khai thác rươi, cáy trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này đã được người nông dân giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học; bởi rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất; chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất. Trước đây cả vùng bãi này là một cánh đồng rộng lớn, các thửa ruộng chỉ được ngăn cách bởi những bờ thửa; vùng nào có độ cao phù hợp người dân cấy lúa, vùng cao hơn có thể trồng cây đay (dùng để lấy sợi dệt chiếu cói), vùng trũng hơn thì cỏ, lau sậy mọc hoang. Sau này khi đất đai được phân chia cho người dân, dồn ô đổi thửa thành những thửa ruộng lớn, người dân đắp bờ cao, xây cống điều tiết nước (Săm) để thuận tiện cho việc khai thác rươi, cáy; phía trên bờ trồng chuối, cây ăn quả, rau; các thửa ruộng cấy lúa một vụ Xuân duy nhất trong năm, rơm rạ vùi tạo hữu cơ mầu mỡ cho đất.
Vùng canh tác đặc biệt này cũng được cách ly hoàn toàn với vùng canh tác thông thường (vùng nội đồng, có sử dụng hóa chất, phân bón hóa học trong canh tác) bởi con đê cao, to và rặng tre chắn sóng. Cùng với đó, nước của sông Thái Bình thường xuyên lên - xuống, ra - vào, thông ra biển khiến cho vùng đất khá "sạch" mầm sâu bệnh.
Trong một vài năm trở lại đây, với những hiểu biết và nhận thức khoa học về chu trình sinh trưởng và phát triển của loài rươi, để tạo nguồn thức ăn cho những vi sinh vật phù du trong đất phát triển làm nguồn thức ăn cho loài rươi, người dân đã sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân lợn, phân trâu bò đã được ủ hoai mục để bón. Việc bón phân này cũng đồng thời làm tăng cường độ phì của đất và bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa.
Toàn huyện hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy tự nhiên. Tại các vùng sản xuất hữu cơ này hiện đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với 5 tầng khai thác (dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa xuân trên ruộng, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả), tạo ra một hệ sinh thái trong lành và bền vững. Đồng thời, định hướng vừa phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm giai đoạn 2021-2025 theo Đề án phát triển du lịch của huyện. Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm khoảng 2.300 tấn/năm (lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm.
Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Vũ Thị Hà cho biết, để khai thác rươi, cáy, đất phải được giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và phân bón hóa học. |
Năm 2019, 3 sản phẩm nông nghiệp Gạo bãi rươi, Rươi cấp đông, Cáy cấp đông được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Năm 2021, tiếp tục có thêm 02 sản phẩm là Chả rươi và Rươi niêu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững.
Đồng chí Vũ Thị Hà cũng cho biết, thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh Hải Dương và Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021-2025” của Huyện ủy Tứ Kỳ, UBND huyện Tứ Kỳ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nhằm mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ đặc hữu, các sản phẩm chủ lực của huyện. Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất và xây dựng thương hiệu các sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Đến năm 2022, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên vùng khai thác rươi, cáy của xã An Thanh đã có những bước đột phá. Ngoài các giống lúa truyền thống đã gieo cấy trong những năm qua, vụ Xuân 2022 có thêm giống lúa mới được đưa vào canh tác, hứa hẹn cho vụ thu hoạch đạt năng suất kỳ vọng. Đó chính là giống lúa cho sản phẩm “Gạo ngon nhất thế giới” danh hiệu được vinh danh tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 tại Phillipines - giống lúa ST25. Qua vụ mùa 2021 và vụ Xuân 2022 cho thấy đây là giống lúa ít sâu bệnh, chống đổ tốt nhất trong các giống lúa hiện nay tại địa phương, năng suất, chất lượng gạo ST25 tại vùng nước lợ này rất thơm, dẻo, ngon, hơn hẳn các giống chất lượng đã gieo cấy trên vùng hữu cơ này từ trước đến nay.
Hội thi gặt lúa rươi hữu cơ vụ xuân 2022 xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ. |
Ngày 13/5/2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 110441-2:2017), với các sản phẩm được chứng nhận gồm: lúa 104,5 ha, chuối 25 ha, mít 05 ha, rau ăn lá 1,5 ha, rau gia vị 01 ha. Sản lượng trung bình đạt trên 1.000 tấn: Lúa 450 tấn/năm, chuối 500 tấn/năm, mít 100 tấn/năm, rau ăn lá 15 tấn/năm, rau gia vị 10 tấn/năm,... Giá trị sản xuất ước đạt 500 - 700 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện và của tỉnh Hải Dương.
Với mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp với khai thác rươi, cáy tự nhiên, sau khi cống Sồi (xã An Thanh) và cống Lều Vịt (xã Quang Trung) được đầu tư, nâng cấp, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã, HTX dịch vụ nông nghiệp và các hộ dân thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ khu vực trong đồng 294 ha thuộc 02 xã An Thanh (214 ha) và Quang Trung (80 ha).
Từ vụ Mùa 2021 đến nay, UBND huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ giống, các chế phẩm sinh học, tập huấn kỹ thuật cho các hộ trong vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để cải tạo vùng kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên.
Kết quả sau 02 vụ triển khai cải tạo đến nay đã có một số hộ chuyển đổi sang cấy lúa kết hợp khai thác rươi cáy và rươi đã xuất hiện ở những ruộng đã cải tạo trong đồng. Kết quả này cho thấy việc đầu tư thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy khu vực nội đồng bước đầu mang lại hiệu quả tốt, cần tiếp tục duy trì thực hiện vào thời gian tiếp theo.
Năm 2018, mô hình canh tác Lúa-Rươi đã đăng ký tham gia giải thưởng Vietfarm - Tự hào nông sản Việt do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (một tổ chức phi Chính phủ) tổ chức với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Ireland và đạt giải Nhất toàn quốc, được các chuyên gia Quốc tế đánh giá cao ở các yếu tố canh tác sinh thái bền vững và phát triển đặc sản địa phương. Giải thưởng này đã góp phần quảng bá, khẳng định thương hiệu các sản phẩm của vùng.
Bộ Trưởng Lê Minh Hoan: "Tư duy mới “Người Hải Dương làm nông nghiệp vị nhân sinh” cần được triển khai sâu rộng". |
Phát biểu tại Lễ hội, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Hải Dương, huyện Tứ Kỳ trong việc tổ chức Lễ hội. Đó là dịp để tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, tôn vinh các đặc sản vùng miền.
Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy mới “Người Hải Dương làm nông nghiệp vị nhân sinh” cần được triển khai sâu rộng, dành tình yêu cho nông nghiệp, yêu thiên nhiên, làm sạch, đẹp môi trường. “Tinh thần nhân văn sẽ làm hạt gạo của chúng ta đi xa, sản phẩm nông nghiệp đi xa, đến được với nhiều người tiêu dùng hơn” - đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, Tứ Kỳ nói riêng và người làm nông nghiệp nói chung cần chú trọng tưới 4 nấc thang tạo ra giá trị gia tăng nông nghiệp. Xây dựng nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị và mong muốn trong thời gian tới, nông sản Hải Dương sẽ tiếp tục được nhân dân trong và người nước biết tới và thưởng thức nhiều hơn.
Phát biểu tại Lễ hội, đồng chí Phạm Xuân Thăng khẳng định, Hải Dương đang định hướng phát triển nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị dựa trên những tiềm năng riêng có, khai thác tối đa những ưu thế do thiên nhiên ban tặng.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng cũng cho biết, việc tổ chức Lễ hội là tầng thứ 4 nhằm nâng cao giá trị nông sản, văn hóa, lịch sử. Vừa qua, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ hội Cà rốt, Lễ hội mở vườn vải Thanh Hà. Qua đó đã giúp nông sản Hải Dương bay cao, bay xa, đến với người dân trong và ngoài nước, đến với những thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.
Lễ cắt băng xuất bán chuyến hàng lúa, chuối hữu cơ đầu tiên của HTX dịch vụ nông nghiệp An Thanh. |
Đánh giá cao cách tổ chức của huyện Tứ Kỳ, đồng chí Phạm Xuân Thăng tin tưởng và hy vọng, trong thời gian tới, với tư duy và cách làm mới, nông thôn mới của huyện sẽ ngày càng nâng cao và có nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc sản nông nghiệp được đón nhận.
Khẳng định nông nghiệp là trụ cột chính, đồng chí Phạm Xuân Thăng cho biết, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm “đất đai có thể manh mún, nhưng tư duy không thể manh mún” - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nêu rõ.
Dịp này, các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm; cắt băng xuất bán chuyến hàng lúa, chuối hữu cơ đầu tiên của HTX dịch vụ nông nghiệp An Thanh./.