Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lễ hội Háu Đoong của người Giáy Nậm Loỏng, Lai Châu

Thứ Ba, 05/07/2022 16:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Lễ hội Háu Đoong nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời, lễ hội là dịp để địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách về con người và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Giáy vùng cao Tây Bắc.

Lễ hội Háu Đoong được tổ chức vào mùng 6/6 âm lịch hàng năm, là sự kiện văn hóa truyền thống lâu đời, được lưu truyền từ đời này sang đời khác "Hướng về cội nguồn, hướng về truyền thống dân tộc". Nơi thờ cúng là ở gốc cây to tại khu rừng cấm thuộc bản Nậm Lỏong 1, là khu rừng chung của các bản; mọi người có trách nhiệm, tự nguyện bảo vệ rừng, bảo vệ đầu nguồn nước, không ai được tự tiện chặt phá rừng. Từ đó khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và nâng cao chất lượng đời sống văn hoá cơ sở trên địa bàn phường.

Lễ hội còn là dịp để địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách về con người và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Giáy vùng Tây Bắc nói chung và người Giáy phường Quyết Thắng nói riêng.

Lễ Háu Đoong được tổ chức tại gốc cây to trong khu rừng cấm. (Ảnh: Nguyễn Nga) 

Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Ở phần lễ gồm lễ khai mạc và lễ cúng rừng tại gốc cây to trong khu rừng cấm thuộc bản Nậm Loỏng I. Trước khi thầy mo làm lễ, ngay từ sáng sớm đại diện các gia đình đến quét dọn địa điểm cúng và mổ lợn, gà làm lễ. Lễ vật cúng rừng là một con lợn từ 20 - 30kg và từ 3 đến 5 con gà.

Lễ cúng rừng của dân tộc Giáy được tổ chức lúc trời đất giao hoà, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đặc biệt, trong lúc cúng rừng, phụ nữ sẽ không được vào khu vực cúng. Sau lễ cúng sẽ tổ chức bữa cơm cộng đồng và thống nhất thời gian cấm bản, mọi người không đi lao động sản xuất từ 2 - 3 ngày.

 Thi cắt bánh phở tại lễ hội Háu Đoong. (Ảnh: vov.vn)

Ở phần Hội, người dân và du khách cùng tham gia các hoạt động đặc trưng của đồng bào Giáy với nhiều trò chơi dân gian, môn thi đấu độc đáo như bắn nỏ, thi giã bánh giầy, thi cắt phở, kéo co, tó má lẹ, nhảy bao bố, bịt mắt đánh chiêng, bịt mắt bắt vịt...

Người Giáy còn gọi là Pú Giáy hoặc Hún Giáy. Người Giáy ở Lai Châu sinh sống rải rác tại 8/8 huyện, thành phố của Lai Châu với khoảng 14.000 người, chiếm 3,09% dân số toàn tỉnh. Tại thành phố Lai Châu, dân tộc Giáy sinh sống chủ yếu tại phường Quyết Thắng và xã San Thàng.

Đồng bào Giáy canh tác trên các mảnh ruộng tương đối bằng phẳng để trồng lúa, trồng ngô và làm các loại bánh truyền thống. Trong quan niệm của người Giáy ở Lai Châu vạn vật hữu linh; đất có thần đất, rừng có thần rừng, sông có thần sông. Trong đó, thần rừng được coi là vị thần linh liêng nhất, che chở cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày. Để bày tỏ lòng biết ơn đối với thần rừng, hàng năm người Giáy tổ chức lễ cúng thần rừng 2 lần/năm vào ngày mùng 3/3 và ngày 6/6 âm lịch.

Hàng năm, sau ngày Tết Nguyên đán, người Giáy tổ chức Lễ hội Tú Tỉ, Láng Na, Háu Đoong để cầu mong mọi người khỏe mạnh, may mắn; cầu cho cây trồng, vật nuôi phát triển, không bị sâu bệnh; cầu cho mọi nhà kinh tế ngày càng phát triển, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Háu Đoong không chỉ có ý nghĩa về giá trị tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gần gũi, hòa đồng, tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là cuộc sống, góp phần bảo vệ sinh thái bền vững.

Đến với Lễ hội Háu Đoong, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, thưởng thức nhiều món ẩm thực hấp dẫn, tìm hiểu về con người và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Giáy vùng cao Tây Bắc.

P.Thảo (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN