Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lễ cưới hỏi của người Dao đỏ

Thứ Năm, 04/05/2023 09:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đồng bào Dao đỏ, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có nền văn hóa lâu đời giàu bản sắc. Trong đó phong tục cưới hỏi với những nghi lễ, nghi thức cổ truyền vẫn được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ người Dao cho đến ngày nay.

Trong hôn nhân người Dao Đỏ dù do cha mẹ sắp đặt hay đôi bạn trẻ tự tìm hiểu, yêu thương nhau rồi đi đến quyết định hôn nhân, bao giờ cũng nhờ thầy xem tuổi. Khi hợp tuổi rồi, nhờ thầy chọn ngày, giờ tốt để tổ chức lễ cưới với mong muốn mang lại hạnh phúc cho đôi bạn trẻ.

Trước đây Lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ thường diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, hiện nay theo nếp sống mới đã rút ngắn lại, trong 1 ngày 1 đêm ở nhà trai, còn nhà gái chỉ tổ chức 1 bữa ăn vui vẻ đưa cô dâu về nhà chồng.

Phong tục cưới hỏi truyền thống của người Dao đỏ có nhiều nghi lễ như Lễ đánh tiếng, Lễ xem mặt, Lễ dạm ngõ, Lễ ăn hỏi…, trong đó Lễ cưới là nghi lễ quan trọng nhất, phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Dao đỏ.

Để tiến tới lễ cưới, nhà trai phải sang nhà gái ít nhất 3 lần. Lần đầu tiên đi ăn hỏi nhà trai không phải mang lễ vật gì. Ông bà mối được chủ nhà lựa chọn là người am hiểu luật tục, có đức độ, uy tín với người dân bản làng. Sau khi ướm hỏi nếu được bên nhà gái nhất trí thì mới về báo gia đình nhà trai chuẩn bị. Lần thứ hai là lễ ăn hỏi. Đến lần thứ 3 là mang lễ vật gồm thịt lợn, gà, gạo, rượu sang để cho nhà gái chuẩn bị tổ chức lễ cưới.

Lễ đón dâu bắt đầu từ bên nhà trai, trước khi đoàn nhà trai sang nhà gái xin dâu, chủ lễ báo cáo, xin phép thần linh, tổ tiên, sau đó cùng đoàn nhà trai gồm đội nhạc lễ, kèn, trống, chiêng, chũm chọe, thanh la và các thành viên gia đình sang nhà gái xin dâu.

Lễ vật có thể nhiều ít khác nhau, tùy theo hoàn cảnh từng gia đình, thông thường nhà gái thách cưới từ 6 - 30 đồng bạc trắng, 20 - 100 lít rượu trắng, 60 – 100kg lợn, gạo tẻ, gạo nếp, đôi gà trống, mái và một bộ trang phục truyền thống cô dâu. Việc thách cưới hiện nay đã giảm đi, một số hiện vật chỉ mang tính tượng trưng như bạc trắng nếu không có thì quy đổi ra tiền mặt.

  Cô dâu Phàn Thị Nguyệt, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang tham dự tái hiện lễ cưới của người Dao đỏ.

Đến cổng nhà gái, nhà trai có lời thưa rằng: "Hôm nay ngày lành tháng tốt, cây đã đến kỳ nở hoa, con chim đòi làm cái tổ, bên nhà trai hôm nay đem lễ vật là 20 lít rượu, đôi gà, 20 cân gạo, 30 cân thịt lợn, để xin được đón con dâu. Lễ vật đã đủ rồi, mong ông bà cho đón cháu về với nhà trai chúng tôi".

Nhà gái sẽ đáp lại: "Chúng tôi đồng ý, xin dặn cháu đôi lời: Từ nay là vợ chồng, hai người phải biết yêu thương nhau, phải biết kính trọng ông bà bố mẹ, không được núi này trông núi khác". Kèn trống là sợi dây liên kết trong suốt lễ cưới, phản ánh nét văn hóa nhân văn, tồn tại lâu đời trong đời sống của cộng đồng người Dao.

Sau các nghi thức bên nhà gái, đoàn rước dâu trở về nhà trai với đoàn nhạc lễ trình diễn những bài ca vui vẻ mừng đám cưới. Khi cô dâu về tới nhà trai, đoàn chưa vào nhà ngay, đợi đến giờ tốt, thầy lễ sẽ gột rửa những điều không may mắn cho cô dâu, sau đó đôi bạn trẻ mới vào nhà.

Đồng bào Dao đỏ có quan niệm, khi người con gái đi lấy chồng không được để mặt trời nhìn thấy bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong cuộc đời sau này. Bởi vậy cô dâu mặc trang phục truyền thống trùm khăn kín đầu trong suốt chặng đường đi từ nhà gái về nhà trai.

Đôi bạn trẻ thực hiện nghi thức truyền thống buộc dải khăn đỏ, hình tượng sợi dây tơ hồng gắn kết tình yêu của họ, như lời chúc phúc cho cuộc sống hạnh phúc bền lâu.

Không gian lễ cưới đậm sắc mầu văn hóa Dao, trong nền nhạc rộn ràng của tiếng trống, điệu kèn, gia đình và khách mời cùng chúc mừng cô dâu, chú rể trong ngày hạnh phúc. Sau đó cô dâu chú rể vào nhà quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, nhận chén rượu hồng và trang sức do cha mẹ chồng trao tặng. Thầy lễ kính báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu, chú rể đã chính thức trở thành vợ chồng, gia tộc đã có thêm một người mới.

N.Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN