Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lễ cúng ché thiêng của đồng bào Tây Nguyên

Thứ Tư, 22/06/2022 15:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đồng bào Tây Nguyên sắm ché không chỉ để ủ rượu cần mà để dành như vật gia bảo, có thể làm sính lễ trong cưới hỏi, đền bù khi xử phạt, làm quà biếu tặng bạn bè, người thân, thông gia. Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc…

Tiếng chiêng Knah ngân tấu đón khách.

Muốn cưới vợ phải có rlung

Tục ngữ Mnông có câu: “Làm rẫy phải rào, muốn cưới vợ phải có rlung”. Nếu như người Mnông có ché rlung, ché mẹ bồng con, ché Yang Yông thì người Ê Đê có ché Tuk, ché Tang, ché Ba.

Theo bà Nguyễn Thị Mai – cán bộ Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, với các dân tộc Tây Nguyên, ché rượu cần là một loại tài sản quý. “Ché cổ, ché quý đồng thời là ché thiêng. Cũng có thể ché được cho là có siêu nhiên nào đó ẩn tàng nên hóa thiêng”. Ché rượu không thể thiếu trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người. Ché còn là một trong những đồ vật đầu tiên dâng lên cúng Yang.

“Tập tục chung của cư dân Tây Nguyên là, sau khi mua ché về hoặc trước khi bán ché đi đều làm lễ cúng”. Khi đưa một chiếc ché quý về nhà, họ phải tổ chức cúng nhập gia cho ché. Lễ cúng mang ý nghĩa gia chủ muốn thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui cùng gia đình đã mua được một chiếc ché quý, với mong muốn nhập gia cho ché, để từ đây ché chính thức được coi như một thành viên, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, mạnh khỏe, vui vẻ, đầm ấm, hòa thuận với gia đình. Cũng như vậy, khi không còn sử dụng mà bán hay cho ché đi, họ làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt, khi không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché.

Chuẩn bị cho Lễ cúng ché

 Xa xưa, phải từ 7 đến 10 con trâu đực lớn mới đổi được một chiếc ché.

Lễ vật chuẩn bị cho Lễ cúng ché của người Ê Đê tại Buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk bao gồm: 1 con heo lớn, 3 ché rượu lớn, 6 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng… Trước khi tiến hành các lễ nghi cúng ché, gia chủ phải nhờ các thanh niên trai tráng trong làng vào rừng lấy cây xoan về làm cột rượu, lấy dây rừng về để cột ché, tránh làm ché bị xô đổ, rơi vỡ. Trong gian khách của nhà dài (Gah), cây cột rượu được trang trí với đủ màu sắc, hoa văn sặc sỡ được dựng lên, bên cạnh là ba ché rượu cần lớn được buộc cố định vào 3 cây cột rượu bằng những sợi dậy rừng.

Nghi lễ bắt đầu, một thanh niên dùng thanh nứa sắc chọc tiết heo, tô đồng được chuẩn bị sẵn để lấy huyết. Thầy cúng dùng một thanh tre dập một đầu nhúng vào huyết heo và bôi lên cột rượu chính. Phần đầu và chân trước được đặt cạnh 3 ché rượu. Thịt heo trộn lẫn với huyết được chia vào các bát nhỏ, bên cạnh là dĩa bày thịt, tim gan, cật, đuôi heo và ba tô cơm lớn. Vòng đồng, chuỗi hạt cũng được bày lên trên mâm đồng.

Tiếng chiêng Knah ngân tấu đón khách từ rất sớm để mời bà con, anh em, họ hàng gần xa đến tham dự. Giờ thiêng đến - 10h trưa, thầy cúng trang nghiêm trong bộ trang phục truyền thống, bắt đầu tiến hành nghi lễ.

Cầu mong thần linh phù hộ

Ché vừa gần gũi mà lại cũng mang tính linh thiêng trong đời sống tâm linh của người Êđê. 

Trước tiên, thầy cúng sẽ khấn tổ tiên, mời thần núi thần sông, tổ tiên, ông bà về chứng giám và cho phép gia đình được tổ chức lễ cúng. Nội dung mùa màng đã thu hoạch xong, thóc lúa, bắp cũng đã đưa về kho, con heo, con bò đã đầy chuồng, nên đã mua được một cái ché quý. Được như vậy là nhờ có Yang cho, nay gia chủ muốn tạ ơn tổ tiên và các Yang đã phù hộ cho gia đình nên đốt heo, uống rượu. Rượu đã đầy ché, thịt đã đầy mâm. Mời các Yang về ăn cơm, thịt heo, uống rượu và chung vui cùng chúng tôi, cho phép gia đình làm lễ cúng nhập gia cho ché. Mong rằng việc này sẽ tốt sẽ đẹp...

Tiếp theo thầy cúng sẽ cúng Yang rông, Yang Cư, Yang Êa, tổ tiên. Cầu mong thần linh phù hộ cho các thành viên gia đình được sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, chăn nuôi, trồng cấy đều được mùa, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Nghi thức thứ 3 là cúng cho ché. Lời khấn nội dung xin được thông báo và mời thần ché cùng dự tiệc với gia chủ. Thầy cúng vừa khấn vừa đeo vòng đồng, chuỗi hạt vào tai và cổ ché, với ngụ ý làm đẹp cho ché, kể từ đây ché sẽ được đối xử như con người (Những ché nào trên tai có đeo vòng, chuỗi có nghĩa ché đó đã được cúng nhập gia).

Kết thúc nghi lễ là nghi thức cúng cho chủ ché. Xin các Yang ban cho chủ nhà sức khỏe, may mắn, làm ăn thuận lợi, để có thể mua được nhiều ché tốt hơn nữa... Nghi thức kết thúc, đại diện gia đình cảm ơn họ hàng, bà con buôn xa, buôn gần đã tới tham dự và mời mọi người ở lại dùng cơm, uống rượu mừng cho gia chủ đã sắm được ché quý.

Bài, ảnh: KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN