Lấy khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm
(ĐCSVN) – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển thị trường KH&CN phải lấy khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập".
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan; Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân; lãnh đạo các bộ, ngành; các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập". Ảnh: Nhật Bắc |
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường khoa học, công nghệ; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau.
Đặc biệt, đại diện các bộ, ngành, tổ chức, các nhà khoa học cũng thảo luận, tìm câu giải đáp trước thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hóa khoa học, công nghệ vẫn rất hạn chế; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa khoa học, công nghệ.
Nguồn cung hàng hóa KH&CN đã tăng đáng kể
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN được hình thành và từng bước được kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành.
Nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học đã tăng đáng kể. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các DN ngày càng tăng cao và cải thiện.
Các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN dần được hình thành, cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp được Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng và hiện đang hoạt động hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.
Tuy vậy, nhìn chung thị trường KH&CN ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa KH&CN trong nước còn hạn chế.
Các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường KH&CN còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Sự liên thông giữa thị trường KH&CN trong nước với thị trường KH&CN thế giới cũng như với với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày tăng cao…
Trong bối cảnh đó, vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc khuyến khích sự phát triển của thị trường KH&CN nói chung và sự phát triển của các cấu phần tạo nên thị trường KH&CN nói riêng có vai trò quan trọng, tập trung vào việc khơi thông nguồn cung, gỡ bỏ các trở ngại về thông tin, giảm thiểu các chi phí giao dịch trong mua bán hàng hóa KH&CN, tạo dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường cũng như việc hỗ trợ phát triển và chứng nhận các tổ chức thẩm định, định giá, tư vấn chuyển giao công nghệ…
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, với ngành nông nghiệp, theo ý kiến của các chuyên gia thì KHCN đã đóng góp khoảng 30% giá trị nói chung trong ngành nông nghiệp và 40% giá trị trong lĩnh vực giống, cây trồng. Nhưng rõ ràng, so với những kỳ vọng về việc gia tăng hàm lượng giá trị bằng KHCN thì con số này còn thấp.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng cần hình thành những trung tâm chuyển giao của Nhà nước thực sự hoạt động theo thị trường. Thị trường còn rất nhiều vấn đề như quảng bá, hậu mãi…. đây là những điều mà các nhà khoa học chưa làm được.
“Cần có cơ chế để cho phép sai và phải tổ chức hoàn chỉnh thị trường. Ví như thị trường bất động sản còn cần nhà phân phối nữa, do đó thị trường KHCN cũng cần có sự kết nối từ đầu cung đến cầu cho sản phẩm” Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến phát biểu tại Hội nghị; cho rằng, đây là một hội nghị rất quan trọng, tiếp nối các hội nghị về các thị trường vốn, bất động sản và lao động đã được tổ chức thành công trong thời gian gần đây; hy vọng sau Hội nghị này, thị trường khoa học, công nghệ cũng có bước chuyển biến mới, phát triển tích cực, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, thị trường khoa học, công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Thủ tướng, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để phát triển khoa học, công nghệ nói chung và thị trường khoa học, công nghệ nói riêng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; sự nỗ lực của các cấp, ngành; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; sự tham gia, cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học, bạn bè quốc tế, thị trường khoa học, công nghệ Việt Nam đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ từng bước được hoàn thiện. Nguồn cung hàng hóa khoa học, công nghệ tăng đáng kể. Tốc độ tăng giá trị giao dịch hàng hóa khoa học, công nghệ trên thị trường bình quân hàng năm đạt 22%. Kết quả nghiên cứu của các viện, trường, nhà khoa học trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp, thị trường đón nhận.
Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng và được cải thiện. Các đầu mối trung gian thị trường khoa học, công nghệ từng bước được hình thành với hơn 800 tổ chức, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ đã đi vào hoạt động. Công tác xúc tiến thị trường khoa học, công nghệ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là so với các nước phát triển, một số nước trong khu vực, thị trường khoa học, công nghệ còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhiều nơi còn hình thức, thiếu thực chất.
Thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc.
Bên cạnh đó, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học còn hạn chế, làm khan hiếm nguồn cung hàng hóa khoa học, công nghệ trên thị trường. Việc giao dịch mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư. Việc chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế. Các tổ chức khoa học, công nghệ chưa chú trọng đúng mức đến hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như một phương thức biến tri thức khoa học thành hàng hóa, sức sản xuất hiện thực của xã hội…
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam đang tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, hướng tới sở hữu những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”; “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ”.
Từ sự phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển thị trường KHCN phải lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Phát triển của thị trường KHCN cần có chính sách đồng bộ, phù hợp, sự sẵn sàng của các nguồn cung cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.
Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về thị trường khoa học, công nghệ; tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học, công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường khoa học, công nghệ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường khoa học, công nghệ quốc gia đến năm 2030.
Thủ tướng đề nghị, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học, công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, hợp tác công tư, tư nhân vào sản xuất, kinh doanh; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
"Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khoa học, công nghệ và hệ sinh thái thị trường khoa học, công nghệ ở tất cả cấp, ngành đồng bộ và toàn diện hơn nữa", Thủ tướng yêu cầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong phát triển khoa học, công nghệ nói chung và phát triển thị trường khoa học, công nghệ nói riêng.
Các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua hệ thống, mạng lưới của mình, cần tham gia thiết thực, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao, công nghệ xanh cho các tổ chức, cá nhân trong nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào trong, ngoài nước; sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài, thị trường khoa học, công nghệ nói riêng và nền khoa học, công nghệ nói chung của nước ta sẽ có những bước phát triển mới, thiết thực, hiệu quả hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.