Lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng- Bài toán đặt ra cho ngành Bảo hiểm xã hội
Thưa quý vị! Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chỉ vào khoảng 5%-6%/năm.
Thực tế, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cũng chính là tự tiêu vào của tích lũy để dành khi về hưu cũng như bị mất nhiều quyền lợi.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, số trường hợp được giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần gần 1 triệu người, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải tình trạng số người lao động rút Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao thời gian qua, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam là do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Tỷ lệ lao động trẻ rút bảo hiểm ngày càng nhiều bởi có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Nhằm khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại khi hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích để mọi người lao động có thêm cơ hội được hưởng lương hưu.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần sửa đổi theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn; tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn… Đặc biệt, cần có các giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động. Bên cạnh đó, khi sửa luật bảo hiểm xã hội, cần tăng quyền lợi đối với người lao động, giảm dần số năm đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu./.