Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lào Cai: Tăng tốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 06/05/2024 23:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đang đặt mục tiêu đầy quyết tâm là đến hết năm 2025 sẽ có thêm 22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 84. Đây là một phần trong kế hoạch phát triển toàn diện của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Kế hoạch số 104/KH-BCĐ của UBND tỉnh Lào Cai về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 - 2025 có thêm 22 xã được công nhận; lũy kế đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 84/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả ngay từ đầu năm 2024. Các địa phương của Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới, sáng tạo trong phương thức thực hiện, đồng thời ưu tiên lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra 

Huyện Bảo Yên phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 với ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có xã Nghĩa Đô - vùng quê hương cách mạng. Nghĩa Đô cũng là 1 trong 12 xã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm mô hình thí điểm thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Phát huy thành quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào Tày bên dòng Nậm Luông hôm nay đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; trong đó chú trọng hướng phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa...

 Xã Nghĩa Đô được lựa chọn thí điểm phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, ông Lý Văn Nội, cho biết: "Vận động người dân khôi phục, phát huy, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là cốt lõi để tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách". Vì vậy, xã đang hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Cụ thể, hỗ trợ người dân xây dựng nhà homestay, nhà sàn truyền thống; đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho người dân; tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa để thu hút du khách; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa,... Nhờ những nỗ lực này, du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô đang ngày càng phát triển. Lượng du khách đến với xã ngày càng tăng, góp phần tạo nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đầu năm 2023, xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung sức thực hiện các tiêu chí cơ bản, gồm: Giao thông, thủy lợi, môi trường, nhà ở dân cư…; huy động người dân đóng góp gần 1.700 công lao động, làm mới hơn 6 km đường trục thôn và vệ sinh đường thôn, xóm; trồng hơn 7 km đường hoa; 40 nhà ở dân cư được chỉnh trang, làm mới… Đến nay, Nghĩa Đô đạt 16/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%, thu nhập bình quân đạt 51 triệu đồng/người/năm. Đây là động lực để xã phấn đấu đạt các tiêu chí khác, “về đích” xã nông thôn mới nâng cao đúng lộ trình, ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết. 

Bảo Yên đang ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam với những thành tựu ấn tượng, góp phần tô điểm thêm bức tranh nông thôn tươi sáng. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng quế hơn 25.000 ha (có 500 ha đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu); vùng trồng chè 589 ha (với 200 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP); vùng trồng chuối với 265 ha (30 ha chuối ngự đạt chứng nhận VietGAP), hơn 260 ha cây ăn quả; toàn huyện có 35 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Hướng tới cơ cấu kinh tế hợp lý, huyện luôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tạo môi trường thuận lợi nhất cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn huyện hiện có 10 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm cây trồng chủ lực, nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến quế, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Từ kết quả đầu tư mở rộng, tăng quy mô sản xuất, kinh doanh trong xây dựng nông thôn mới mà đời sống người dân được nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 43,32 triệu đồng (tăng 3,13 triệu đồng so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,16% (giảm 4,3% so với năm 2022); trên 95% hộ có nhà ở đạt chuẩn; 98% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đạt 14,19 tiêu chí/xã, tăng 3,88 tiêu chí/xã so với năm 2022; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng, tăng 43 triệu đồng so với năm 2015… 

Năm 2024, huyện Bảo Yên đặt mục tiêu 16/16 xã đạt chuẩn NTM. Đây là mục tiêu chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Yên. Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Nguyễn Anh Chuyên nhấn mạnh định hướng tập trung ưu tiên, quyết liệt triển khai các tiêu chí NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, tin tưởng rằng huyện Bảo Yên sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra và gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc xây dựng NTM.

Cùng với Bảo Yên, các huyện ở Lào Cai đang nỗ lực thực hiện mục tiêu 10 xã đạt chuẩn NTM và 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2024. Việc hoàn thành mục tiêu này sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Trong đó, huyện Bảo Thắng phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Huyện đã tổ chức lễ ra quân phát động Phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" năm 2024, chọn xã Phú Nhuận là đơn vị phấn đấu về đích NTM nâng cao trong năm nay.

Chưa hết, thị xã Sapa phấn đấu đạt chuẩn thị trấn văn minh đô thị vào năm 2025. Thị xã đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng, môi trường, văn hóa và xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua, tăng cường quản lý đô thị....

Huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn 

Tính đến năm 2023, bình quân mỗi xã của Lào Cai đạt 12,02 tiêu chí NTM, tăng so với kết quả rà soát hiện trạng NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025 tại thời điểm tháng 6/2023 là 1,46 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt 39,82 triệu đồng/người/năm, tăng 6,38 triệu đồng/người so với năm 2022. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân/năm đạt 4,43% đã góp phần thay đối đời sống của người dân khu vực nông thôn. 

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình NTM được ban hành, việc duy trì mức độ đạt chuẩn NTM tại 62 xã đã được công nhận và phấn đấu trong năm 2024 - 2025 có thêm 22 xã được công nhận; lũy kế đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 84/127 xã đạt chuẩn NTM. Đây là mục tiêu tỉnh Lào Cai đặt ra tại Kế hoạch số 104/KH-BCĐ ngày 15/02/2024 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Các huyện, thị xã, thành phố thi đua hưởng ứng các Phong trào năm 2024. 

Năm 2024, tỉnh Lào Cai phấn đấu có thêm 10 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn NTM” và 05 xã được công nhận “Xã nông thôn mới nâng cao”, thêm 48 thôn nông thôn mới và 36 thôn kiểu mẫu. Bình quân mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí. Toàn tỉnh không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm khoảng 5%.

Để đạt được mục tiêu đó, Lào Cai đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai hiệu quả đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là sơ chế, bảo quản, chế biến sâu và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn… để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn như: Giao thông, thủy lợi, viễn thông, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả và triển khai kế hoạch thực hiện đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2024, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh: Xây dựng NTM là chủ trương lớn, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Đây là quá trình lâu dài, nhiều khó khăn, thách thức; đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đổi mới, sáng tạo”. Đồng thời yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cũng yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, thống nhất nhận thức cho cán bộ, người dân, tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng NTM. Thực hiện xây dựng NTM phải đảm bảo tính bền vững, gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh” và có sự gắn kết chặt chẽ với việc triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia…./.

GT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN