Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lào Cai: Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ Bảy, 26/08/2023 16:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

* Ngày 25/8, tại thị xã Sa Pa, đã diễn ra Hội chợ giao lưu kết nối, giới thiệu mô hình, sản phẩm và hỗ trợ phát triển sinh kế cho các nạn nhân bị buôn bán người hồi hương.

Du khách tham quan gian hàng tại tại Hội chợ. Ảnh: Cao Cường 

Hội chợ có sự phối hợp tổ chức của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai trong chuỗi hoạt động tại 8 tỉnh Vùng trung du miền núi phía Bắc thuộc khuôn khổ Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội chợ được tổ chức tại thị xã Sa Pa có có 22 gian hàng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia, trưng bày các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc hữu của địa phương. Nổi bật như các sản phẩm cá hồi các loại, các sản phẩm dược liệu, rau, củ quả đặc hữu của thị xã Sa Pa; các sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng; sản phẩm chăn nuôi của huyện Bắc Hà, Si Ma Cai…

Theo đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội chợ các sản phẩm hàng nông sản, hàng tiểu thủ công nghiệp chế biến từ nông sản, trong đó có mặt hàng đã xác định giá trị mạnh nhờ thương hiệu có liên hệ chặt chẽ với mô hình sinh kế, dự án sản do phụ nữ bị buôn bán trở về làm chủ.

Hội chợ không coi trọng lợi nhuận mà qua đó động viên, khích lệ các mô hình sản xuất, sự nỗ lực lao động của hội viên, phụ nữ yếu thế, phụ nữ gặp rủi ro trong cuộc sống. Hội chợ sẽ kéo dài hết ngày 27/8.

* Cũng trong ngày 25/8, tại thị xã Sa Pa, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Phòng chống bạo lực gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Hội nghị, đại biểu là lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và hội phụ nữ cơ sở đã trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay về xây dựng gia đình hạnh phúc, đẩy lùi bạo lực, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, chung tay xây dựng môi trường sống văn minh. 

Điển hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Yên với cách làm hay trong giải quyết các vấn đề đời sống, xã hội liên quan đến phụ nữ; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cốc San, thành phố Lào Cai với kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình. Mô hình đầu tiên tại Chi hội Phụ nữ thôn Tòng Xành 1 với 40 tình nguyện viên tham gia, duy trì sinh hoạt theo quy chế 1 lần/quý, nội dung chủ yếu tuyên truyền về Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, tuyên truyền, phòng chống đuối nước, đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát với mô hình xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch vì sức khỏe cộng đồng và xây dựng nông thôn mới; đã vận động hội viên phụ nữ tham gia đóng góp và đổ đường bê tông, xây cống rãnh ven đường được 3 km, đóng góp 210 ngày công lao động và vận động hội viên hiến 500m2 đất mở đường giao thông. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn có kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ em và tuyên truyền về hôn nhân và gia đình…

Bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết: Không chỉ là các vấn đề về kinh tế - xã hội, bạo lực gia đình, phụ nữ khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phải đối diện nhiều vấn đề cần phải giải quyết như xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em, vấn đề tảo hôn, sinh con trước 18 tuổi, sinh con thứ 3 trở lên... Bởi vậy, việc trang bị kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ phụ nữ trong vận động, xây dựng các mô hình, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội là rất cần thiết nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025.

Dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành nhằm hướng tới mục tiêu: Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án hướng tới các đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật. 

Hoàng Oanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN