Lào Cai đảm bảo an toàn cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai
(ĐCSVN) - Hầu như năm nào người dân tỉnh Lào Cai đều phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai, mưa lũ gây ra. Vì vậy, tỉnh luôn chủ động triển khai các phương án nhằm phòng chống thiên tai và sẵn sàng ứng phó. Trong đó, việc rà soát, quy hoạch các điểm tái định cư, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thống kê hàng năm và ghi nhận, phân tích chuỗi số liệu quan trắc về tình hình thiên tai 10 năm trở lại đây, kết hợp với nhận định diễn biến thời tiết năm 2024, Lào Cai có thể xảy ra 9 loại hình thiên tai trong năm gồm: Bão và áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nắng nóng; hạn hán; sương mù; lốc, sét, mưa đá; rét hại, sương muối. Trong năm 2024, cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai cao nhất là cấp 3 đối với các loại hình thiên tai: Bão và áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; rét hại, sương muối…
Không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng tỉnh Lào Cai lại chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; ngập úng ở vùng thấp trũng thấp. Số đợt áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến toàn tỉnh Lào Cai trung bình từ 5 - 7 đợt /năm; trong đó các khu vực vùng thấp như thành phố Lào Cai; các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng và một phần huyện Bát Xát, Văn Bàn thường chịu ảnh hưởng, thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra nhiều hơn so với các huyện, thị xã khác.Loại hình thiên tai lũ, ngập lụt có phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị xã: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên. Số đợt xuất hiện trên địa bàn tỉnh trung bình từ 8 - 9 đợt/sông, suối/năm; lượng mưa trên 100 mm/đợt hoặc mưa cục bộ tạo dòng chảy lớn…
Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh. |
Rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp, tăng dần về cấp độ rủi ro bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (Cấp độ 5: Tình trạng khẩn cấp về thiên tai). Tỉnh Lào Cai thường chịu ảnh hưởng của thiên tai cao nhất đến cấp độ 3.
Kết quả thống kê cho thấy, hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có 314 điểm sạt lở đất trên 50 m3 (93 điểm đã có biển cảnh báo, 222 điểm chưa có biển cảnh báo); 53 điểm có nguy cơ sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên 50 m3 (01 điểm đã có biển cảnh báo, 53 điểm chưa có biển cảnh báo)…
Trước những dự báo về tình hình thiên tai trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan, địa phương triển khai kế hoạch sắp xếp người dân ra khỏi vùng thiên tai. Theo đó, năm 2024, tỉnh Lào Cai thực sắp xếp, bố trí ổn định cho 613 hộ dân với kinh phí hơn 103 tỷ đồng; năm 2025 sắp xếp, bố trí ổn định cho 696 hộ với trên 85 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2024 sẽ sắp xếp dân cư thiên tai và nguy cơ thiên tai cho 520 hộ và sắp xếp dân cư biên giới 93 hộ. Trong đó, sắp xếp tập trung 341 hộ; sắp xếp dân cư xen ghép 138 hộ; ổn định tại chỗ 134 hộ. Mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND, ngày 9/4/2021 và Nghị Quyết số 22/2023/NQ-HĐND, ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Lào Cai là: hỗ trợ sắp xếp di chuyển xen ghép 80 triệu đồng/hộ đối với nhóm I và 60 triệu đồng/hộ đối với nhóm II; hỗ trợ sắp xếp di chuyển tập trung 15 triệu đồng/hộ; hỗ trợ ổn định tại chỗ 30 triệu đồng/hộ; hỗ trợ chi phí quản lý chỉ đạo 500.000 đồng/hộ từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện.
Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã có hộ dân nằm trong phương án di chuyển có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các hộ về nhân công và các điều kiện khác để di chuyển đến nơi ở mới an toàn, ổn định phát triển sản xuất. Các hộ dân được hỗ trợ di chuyển sắp xếp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chuẩn bị mặt bằng chuyển đến, nguyên vật liệu bổ sung thay thế những vật liệu đã hỏng... di chuyển đến nơi ở mới đảm bảo đúng kế hoạch.
Đối với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (hộ nghèo, hộ độc thân, hộ gia đình chính sách), cấp ủy, chính quyền xã giao trực tiếp cho các ban, ngành, đoàn thể trong xã tập trung lực lượng, ủng hộ ngày công giúp các hộ này di chuyển đảm bảo tiến độ thời gian, để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Cùng với việc bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, địa phương này cũng xây dựng, củng cố, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai, trong đó chú trọng các công trình sạt lở bờ sông, bờ suối tại những khu vực diễn biến sạt lở nghiêm trọng, khu tập trung dân cư, các công trình hạ tầng phòng chống lũ quét, sạt lở đất và các cơ sở hạ tầng quan trọng, các công trình hạ tầng trọng điểm, xung yếu.
Tập trung sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hồ, đập bảo đảm chủ động phòng chống mưa, lũ theo mức thiết kế. Nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo sức chống chịu với thiên tai. Đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa các công trình hạ tầng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và chủ động ứng phó với thiên tai, không làm gia tăng rủi ro thiên tai. Xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ hồ chứa; các công trình giám sát, cảnh báo sớm thiên tai...