Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân qua nhiều kênh thông tin

Thứ Sáu, 17/09/2021 18:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đưa vào hoạt động hệ thống công cụ lắng nghe ý kiến và nắm bắt tình hình nhân dân bao gồm: số hotline, email, fanpage, zalo Official Account... Thành lập nhóm ứng dụng Zalo nắm tình hình nhân dân trên địa bàn tỉnh… góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân.

Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. 

Sáng 17/9, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang làm việc với Ban Dân vận Tỉnh ủy về thực hiện chức năng tham mưu về công tác dân vận, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất. Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ươnng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.

Cùng dự có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.

Hướng về Nhân dân, lắng nghe tâm tư của Nhân dân

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành các Nghị quyết, quyết định đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận. Thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị nắm, tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình nhân dân và cán bộ, hội viên, đoàn viên, người lao động.

Từ tháng 4/2021, Ban Dân vận Tỉnh ủy đưa vào hoạt động hệ thống công cụ lắng nghe ý kiến và nắm bắt tình hình nhân dân bao gồm: số hotline, email, fanpage, zalo Official Account... Thành lập nhóm ứng dụng Zalo nắm tình hình nhân dân trên địa bàn tỉnh. Duy trì hoạt động của Tổ công tác tham gia giải quyết điểm phức tạp trên địa bàn tỉnh. Qua đó có thể tiếp nhận và lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của nhân dân từ các kênh thông tin khác nhau để tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo được quan tâm lãnh đạo, thực hiện. Hiện, toàn tỉnh có gần 4,5 nghìn mô hình "Dân vận khéo". Năm 2020, có 62 đảng bộ xã, phường, thị trấn được công nhận đạt "Dân vận khéo".

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang báo cáo tại buổi làm việc. 

Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ trì hướng dẫn thành lập và chỉ đạo hoạt động gần 11 nghìn tổ, nhóm COVID cộng đồng với khoảng 38 nghìn thành viên tham gia. Hoạt động của các tổ đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Sáng tạo của Bắc Giang về huy động sức mạnh của toàn dân trong phòng, chống dịch được Ban Dân vận Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, nghiên cứu để chỉ đạo nhân rộng mô hình này trong cả nước…

Triển khai nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, với mục tiêu phát huy cao độ quyền làm chủ của Nhân dân, cùng với việc tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Ban Dân vận đã chủ động tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy và hoạt động của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ tỉnh như: Kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc theo hướng phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, thành lập 03 tiểu ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở ba loại hình ở cơ sở4; biên soạn cuốn sổ tay Quy chế dân chủ ở cơ sở và sổ tay hỏi đáp về công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ dành cho cán bộ phụ trách công tác quy chế dân chủ ở các địa phương, đơn vị; mở chuyên trang Quy chế dân chủ trên website của Ban Dân vận Tỉnh ủy; tham mưu chỉ đạo Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh và Báo Bắc Giang mở chuyên mục, chuyên đề "Lắng nghe dân nói" trên sóng truyền hình và Báo Bắc Giang.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh cho biết, trong thời gian tới, Ban sẽ tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp để triển khai hiệu quả công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt 3 trụ cột chính trong công tác dân vận là: Lắng nghe nhân dân, làm cho dân tin tưởng hơn vào cấp ủy, chính quyền; thực hành dân chủ ở cơ sở và vận động người dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH; chủ động dựa vào dân để làm công tác dân vận.

Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo.

Chủ động dựa vào dân để làm công tác dân vận

Tại buổi làm việc, đồng chí Mai Sơn đánh giá cao các mô hình, cách làm sáng tạo của Ban Dân vận trong thời gian qua, đồng thời cho rằng, thời gian tới, công tác dân vận cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng dân vận của cơ quan Nhà nước, ngày càng tạo sự tin tưởng, đồng thuận từ nhân dân; phát huy hiệu quả việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân, đi đôi với kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ sau đối thoại.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang phát biểu tại buổi làm việc. 

Đồng tình với những đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, theo đồng chí Lê Thị Thu Hồng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, Ban Dân vận Tỉnh ủy cần sớm tập trung rà soát các văn bản, nghị quyết, kết luận của tỉnh để xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu cần thực hiện về công tác dân vận. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận trách nhiệm, yêu nghề, lăn lộn với cơ sở, bám sát thực tiễn.

Tham mưu tích cực hơn về công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc, vùng công giáo. Tập trung nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ, nhất là đối với các cơ quan Nhà nước. Trong xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" cần thực hiện tốt việc xây dựng kết hợp với kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, tránh hình thức.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đánh giá cao kết quả toàn diện mà hệ thống công tác dân vận đạt được. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó, hoạt động công tác dân vận phải bảo đảm thực chất, không phô trương, hình thức. Mỗi nhiệm vụ cần được cụ thể hóa, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn. Việc nắm bắt tình hình nhân dân cần được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; chủ động nắm bắt điểm nóng để tham mưu, phối hợp giải quyết.

Đồng chí nhấn mạnh, nhiệm kỳ này Đảng bộ tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, chỉ tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận lớn của nhân dân. Bởi vậy, cần xác định được vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân, tất cả hướng đến người dân, để nhân dân được hưởng thụ thành quả. Cần chú ý “lấy dân làm gốc” trong mọi hành động hướng tới.

Trước hết, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy; chủ trì tham mưu thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận. Tuyên truyền, phổ biến để các cấp, ngành, địa phương, cán bộ, nhân dân nhận thức rõ công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa ban dân vận với cấp ủy các cấp, các cơ quan, đoàn thể để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ dân vận.

Xác định rõ dân vận chính quyền là trụ cột trong công tác dân vận, qua đó tập trung nâng cao chất lượng cải cách hành chính, quản lý đất đai, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, bồi thường giải phóng mặt bằng… nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp. Thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình nhân dân, tham gia tích cực vào việc tham mưu giải quyết các việc khó, việc nổi cộm, tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở.

Đặc biệt, đối với tổ COVID cộng đồng do Ban Dân vận chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện cần tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả. Nghiên cứu để phát triển thành các tổ dân vận cộng đồng trong thời gian tới./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN