Lắng nghe tâm tư đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi các tỉnh khu vực Tây Nguyên
(ĐCSVN) -Ngày 22/12, tại Gia Lai, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tại Hội nghị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS và miền núi các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang từng bước hoàn thiện, bao phủ toàn diện các mặt của đời sống của đồng bào.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đồng chí chủ trì Hội nghị |
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với công tác dân tộc, nhất là hướng mạnh về cơ sở. Từ nhu cầu thực tiễn của công tác dân tộc, MTTQ các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc tới đồng bào các DTTS; phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội; đề cao vai trò và vị trí, trách nhiệm của đồng bào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong chiến lược phát triển đất nước.
MTTQ các tỉnh có đồng bào DTTS sinh sống, trong đó có các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã vận dụng cụ thể vào tình hình của từng địa phương, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào DTTS sinh sống ở 463 huyện, 5.453 xã và gần 50 ngàn khu dân cư thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Tiêu biểu, MTTQ các cấp ở vùng đồng bào DTTS đã tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tập hợp, vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mang tính sâu rộng toàn dân, toàn diện, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”… đạt được những kết quả tích cực trên cơ sở hướng địa bàn khu dân cư.
Nhiều nơi, MTTQ đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao về cả chất và lượng. Các hoạt động cứu trợ, xã hội, nhân đạo, từ thiện, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt coi trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, đời sống, lao động sản xuất của đồng bào các DTTS và miền núi còn một số tồn tại như phần lớn đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới nên việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng giao thông, thông tin văn hóa, xã hội còn hạn chế; một bộ phận đồng bào nhận thức chưa đầy đủ về chính trị - xã hội, ý thức chấp hành và thủ pháp luật còn nhiều vấn đề đáng quan tâm,…
Chính vì vậy, Hội nghị tiếp xúc với đại diện đồng bào DTTS các tỉnh khu vực Tây Nguyên là dịp để Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đồng bào đối với quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các chương trình kinh tế - xã hội hiện đang triển khai ở địa phương nhằm tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống MTTQ các cấp; vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, từ đó tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh, với Đảng và Nhà nước.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; kinh nghiệm hoạt động của người có uy tín tiêu biểu. Các ý kiến, đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, MTTQ đề nghị tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh trật tự; những khó khăn bất cập khi triển khai các chính sách của Nhà nước ở địa phương…
Tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ với mong muốn của những người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS của 5 tỉnh Tây Nguyên; đồng thời khẳng định, MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp để kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan làm công tác dân tộc để phản ánh, báo cáo, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của bà con, từ đó góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và đồng bào các DTTS trên cả nước nói chung.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Đảng, Nhà nước đã khẳng định Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Khi nói đến Tây Nguyên, thông thường sẽ đề cập đến 3 thứ: đại ngàn Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên và lòng dân Tây Nguyên.
“Bởi vậy nhiệm vụ của chúng ta là làm sao phải nắm vững cho được nhiều thứ, trong đó có 3 thứ vừa đề cập. Với ý nghĩa đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới cách tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS miền núi nói chung và từng vùng nói riêng”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; kinh nghiệm hoạt động của người có uy tín tiêu biểu. |
Nhắc đến bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi và căn dặn đồng bào các dân tộc: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, lời dạy của Bác cần tiếp tục được khắc ghi và nhắc nhớ lại hàng nghìn lần nữa.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Đến thời điểm này, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang từng bước hoàn thiện, bao phủ toàn diện các mặt của đời sống của đồng bào. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã dành sự quan tâm rất đặc biệt cho vùng đồng bào DTTS và miền núi thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án.
Về cơ bản, vốn của các chương trình, dự án đã được phân bổ xong, mục tiêu hiện nay là giám sát vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án đúng mục đích, hiệu quả, bà con nhân dân được thụ hưởng. Do đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các già làng, người có uy tín vùng Tây Nguyên sẽ phản ánh trực tiếp những vấn đề liên quan thông qua các kênh tiếp xúc với đại biểu Quốc hội để có sự điều chỉnh phù hợp.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đầy đủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng các cơ quan chức năng và các già làng, người có uy tín cần phát huy vai trò giám sát, triển khai thực hiện thật hiệu quả, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động, làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân.
Nhân dịp năm mới 2023 đang đến gần, thay mặt Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi tới các đại biểu, già làng, người có uy tín lời chúc năm mới sức khỏe, an lành, hạnh phúc, cùng nhau phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh của đất nước./.