Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Bài 1: Những mô hình độc đáo gần dân, vì dân

(ĐCSVN) – Quán triệt những chỉ dẫn và bài học quan trọng về vai trò của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước, những năm qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo xây dựng nhiều mô hình vì dân có hiệu quả thiết thực, được Nhân dân đánh giá cao.

Phải gần dân, lắng nghe dân, để hiểu dân cần gì?

Trao đổi với PV, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, trong nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động nghiên cứu xây dựng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Điển hình là mô hình “Gần dân, sát dân” của một số cấp ủy địa phương; khối cơ quan hành chính có mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”; trong khối doanh nghiệp có mô hình “Vì người lao động”, “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe ý kiến công nhân”, trong khối lực lượng vũ trang có mô hình “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, “Phát huy trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện công tác chính sách”, “Cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”... Mỗi một mô hình ở các lĩnh vực khác nhau nhưng tựu chung lại là đều hướng đến lợi ích của dân, vì dân phục vụ.

Là đơn vị điển hình của huyện Bến Cát (Bình Dương) xã Thới Hòa thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” rất có hiệu quả. Qua mô hình này,  vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên xã đã được phát huy hơn… Đồng chí Phạm Văn Định, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thới Hòa cho biết, để thực hiện hiệu quả mô hình “Gần dân, sát dân”, mỗi tháng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã đều sắp xếp thời gian để đến gặp gỡ các hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo, chính sách, có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, đảng viên trên 40 năm tuổi Đảng, các cụ lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư,… nhằm tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tham gia các phong trào tại địa phương; đồng thời qua đó nắm tình hình tư tưởng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trong lúc gặp gỡ, ý kiến nào giải đáp được thì cán bộ xã trả lời, giải quyết tại chỗ, những ý kiến nào chưa trả lời được thì ghi nhận, chép lại để báo cáo với Đảng ủy, chính quyền và các ngành liên quan để giải quyết cho dân.

Trao đổi với báo chí, anh Nguyễn Văn Tốn ở ấp 4 rất vui, bộc lộ rõ trên nét mặt với nụ cười tin tưởng khi có cán bộ xã tới thăm nhà: “Tôi rất vui, phấn khởi được lãnh đạo địa phương thăm hỏi, động viên và chia sẻ. Đây là nguồn động lực lớn tiếp sức cho tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống phấn đấu thoát nghèo”.

Cùng tâm trạng ấy, anh Trần Văn Quang chia sẻ: “Khi thấy lãnh đạo xã đến tôi rất vui, vì có dịp để cảm ơn trong thời gian qua địa phương đã vận động hỗ trợ xây nhà tình thương, hỗ trợ vay vốn làm ăn và miễn giảm học phí cho con của tôi”.

Đồng chí Trần Văn Quyên, Bí thư Chi bộ ấp 4, nói: “Việc cán bộ, lãnh đạo địa phương xuống cơ sở nắm bắt sát sao tình hình, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những bức xúc, thắc mắc của người dân, bà con rất hoan nghênh và đồng tình”. Điều đặc biệt mà phóng viên thấy là, mỗi ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, cán bộ lãnh đạo khi đi cơ sở đều trang bị cho mình cuốn sổ ghi nhật ký. Khi tiếp xúc với người dân có ghi chép rõ ràng, đầy đủ các nội dung làm việc như: Thời gian, địa điểm, đối tượng, tên tuổi, tâm tư, nguyện vọng và những yêu cầu bức xúc của dân. Bên cạnh việc tìm hiểu đời sống, trả lời và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của người dân, cán bộ xã còn phối hợp với chi bộ ấp đến hộ dân thực hiện tuyên truyền các nghị quyết của huyện, tỉnh và trung ương, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

Mô hình “Ngày thứ Bảy với dân” của Huyện ủy Bình Lục (Hà Nam) đã giúp cán bộ và dân gần nhau hơn. Thực hiện mô hình điểm “Ngày thứ Bảy với dân”, Đảng ủy, UBND thị trấn Bình Mỹ xây dựng kế hoạch, đề ra từng công việc cụ thể hằng tuần, hằng tháng; phân công nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức; hướng dẫn cán bộ, công chức ký cam kết thực hiện. Việc làm này đã giúp cán bộ và nhân dân gần nhau hơn. Người dân có thể dễ dàng trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nêu những băn khoăn, vướng mắc với cán bộ. Cán bộ tiếp nhận thông tin, nếu nội dung nào có thể giải đáp thì trao đổi ngay để nhân dân rõ, đồng thuận. Với những hiệu quả đạt được, ngay trong thời gian thí điểm, mô hình đã được nhân rộng khắp trên địa bàn toàn huyện và trở thành phong trào có sức lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh.

Theo đánh giá của đồng chí Trần Đức Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Việc thực hiện mô hình “Ngày thứ Bảy với dân” đã phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, dân với Đảng, tạo ấn tượng tốt về hình ảnh người cán bộ, đảng viên trong lòng dân; qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Phải gần dân, lắng nghe dân, đó là kinh nghiệm mà Đảng ủy xã Phúc Khoa huyện Tân Uyên (Lai Châu) đúc rút được sau khi được quán triệt công tác dân vận của Đảng. Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khoa Nguyễn Văn Hiển cho rằng: Những kết quả xã Phúc Khoa đạt được thời gian qua cho thấy, muốn nội dung của chỉ thị, nghị quyết đến được với đông đảo bà con nhân dân thì yếu tố đầu tiên là phải gần dân, lắng nghe dân, để hiểu dân cần gì, từ đó có những hỗ trợ hay kiến nghị kịp thời đến các cấp cao hơn giải quyết thỏa đáng cho bà con. “Cán bộ được dân bầu ra để nói lên tiếng nói của dân, phục vụ nhân dân. Muốn vậy, cán bộ phải xuống thực tiễn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Có như vậy mới biết người dân khó ở đâu, cần hỗ trợ gì về chính sách, những gì giải quyết được thì sẽ giải quyết luôn, còn những nội dung gì chưa giải quyết được thì cần có kiến nghị cấp cao hơn giải quyết. Với cách làm đó mà xã Phúc Khoa đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương” - đồng chí Hiển nhấn mạnh.

Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” là cách làm độc đáo về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

 

Theo lãnh đạo xã Đông Phước A, gần 4 năm qua, cứ đều đặn vào ngày thứ sáu tuần cuối cùng trong tháng, Tổ đối thoại với công dân “Ngày thứ sáu nghe dân nói” xã Đông Phước A, huyện Châu Thành do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm tổ trưởng lần lượt tổ chức đoàn đến từng ấp để đối thoại với người dân.

Theo lịch cứ 7 giờ sáng ngày thứ sáu, hàng trăm người dân trong xã Đông Phước A, huyện Châu Thành đã có mặt đông đủ tại điểm tổ chức buổi đối thoại. Ngoài những điểm tiếp xúc cố định, còn có điểm tiếp xúc lưu động, cũng có thể được tổ chức tại nhà của một người dân để bà con thuận tiện đi lại. Hầu hết người dân ở đây xem mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” là hoạt động quen thuộc. Đây là hình thức sinh hoạt dân chủ thực sự, là diễn đàn để người dân trực tiếp nói lên tiếng nói của mình đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau khi chú ý lắng nghe đại diện UBND xã Đông Phước A báo cáo về hoạt động lãnh đạo, điều hành các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị của xã thời gian qua, người dân thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Theo ông Đặng Văn Khải, 65 tuổi, ngụ ấp Phước Tân, xã Đông Phước A cho rằng, vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ ngày càng được phát huy trong cộng đồng, trong các khu dân cư. “Ngày thứ sáu nghe dân nói” là cơ hội để xã lắng nghe, từ đó có điều chỉnh, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh, đồng thời từ ý kiến của người dân kiến nghị lên huyện, lên tỉnh. Ý kiến của người dân dù lớn, dù nhỏ đều được lắng nghe, ghi nhận và xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Với cách làm đó, người dân nơi đây rất phấn khởi.

Từ cuối năm 2014, đến hết năm 2018, lãnh đạo xã Đông Phước A đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được trên 40 buổi, có hơn 1.960 lượt nhân dân tham dự, với gần 200 lượt hộ dân phát biểu, gần 150 ý kiến. Các kiến nghị tập trung vào giải quyết các thủ tục hành chính một cửa, chính sách nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, lộ giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường ở nông thôn… Từ hiệu quả của mô hình“Ngày thứ sáu nghe dân nói”, rất nhiều vụ việc lớn nhỏ đã được giải quyết trực tiếp, những vấn đề không thuộc thẩm quyền cũng ghi nhận để đề xuất lên cấp trên, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài.

“Cán bộ được Nhân dân đóng góp xây dựng lề lối làm việc phục vụ dân, hiện các hoạt động ngày càng được nhanh gọn, chuyển biến rõ nét, không gây phiền hà và thủ tục hành chính giải quyết trước thời gian quy định” - ông Trần Văn Lễ, Chủ tịch UBMTTQ xã Đông Phước A cho biết.

Mô hình diễn đàn “Nhân dân nói về chúng tôi” của Công an TP. Nha Trang (Khánh Hòa) lắng nghe, đối thoại với nhân dân trong công an các đơn vị, địa phương; quan tâm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Công an nhân dân lắng nghe ý kiến Nhân dân” và cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”; lấy diễn đàn “Nhân dân nói về chúng tôi” làm chủ đề trọng tâm để cán bộ, chiến sĩ quyết tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả tốt hơn…

Những mô hình trên chỉ là một số trong rất nhiều mô hình tiêu biểu khác trên khắp cả nước. Điều đó cho thấy quyết tâm của cán bộ, đảng viên cùng nhân dân là rất cao. Họ luôn có khát vọng vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình. Đồng thời, nó cũng chứng minh một điều là nguồn lực trong dân là vô tận. Chỉ có điều chúng ta làm gì, làm như thế nào để phát huy và khơi dậy tiềm năng đó. Và câu trả lời chính là: Phải đắm mình trong thực tiễn, phải gần dân, sát dân, vì dân...

Tư duy mới đến tận nhà, giao kết quả tận tay người dân

Người cán bộ phải luôn trăn trở là làm sao để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho dân, việc chọn khung giờ vàng là lúc mà người dân rảnh nhất để gặp làm thủ tục là ưu tiên số 1. Ông Vũ Chung Sức, Bí thư khu phố 26, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Mình là người ở gần dân nhất nên lúc nào cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, giúp dân trong những lúc khó khăn, hoạn nạn nhất. Chẳng hạn như lúc tang gia bối rối, có một ông bí thư tới tận nhà tư vấn làm thủ tục và mang kết quả trả cho dân. Làm được như vậy thì lòng tin của người dân đối với chính quyền sẽ tăng theo cấp số nhân” .

Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho rằng chính quyền cơ sở cấp phường là cơ quan trực tiếp làm việc, tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Chính vì vậy áp lực về công việc ở phường là rất lớn. Một thực tế là hồ sơ trễ hẹn dù là lý do gì thì vẫn là nỗi bức xúc của người dân…

Ông đề nghị chính quyền phường cần tham mưu UBND quận hỗ trợ, chia sẻ, nhắc nhở, chấn chỉnh những nội dung còn hạn chế, đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các mô hình, cách làm hay về công tác cải cách hành chính được triển khai nhân rộng ở các cấp, tích cực đơn giản hóa thủ tục hành chính, lấy hiệu quả công tác và tỉ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp để làm căn cứ bình xét thi đua, thu nhập…

 
Theo báo Pháp luật TPHCM, mô hình ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM là, rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính, làm việc ngoài giờ, tạo thuận lợi cho dân được đánh giá cao. Hình ảnh chị Hà Thị Ngọc Dung (nhân viên văn phòng UBND xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM), mặc dù trời mưa, trời sẩm tối nhưng vẫn đến nhà bà Nguyễn Thị Óc (82 tuổi, ở ấp 4) để trao giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người con dâu. Cầm tờ giấy trên tay, bà Óc xúc động:“Làm phiền các cháu quá, mưa gió thế này mà cũng lặn lội tới nhà đưa giấy xác nhận. Bà cám ơn các cháu nhiều lắm!”.

 

Cách đó vài ngày, anh Nguyễn Thanh Phương, phụ trách hộ tịch UBND xã Nhị Bình, cũng mang hồ sơ chứng thực tới nhà giao cho ông Nguyễn Văn Hai (56 tuổi, ở ấp 1). Anh Phương đến nhà ông Nguyễn Văn Hai lúc đó cũng sẩm tối. “Thấy tôi mang hồ sơ chứng thực đến nhà trong ngày như đã hứa, ổng vui lắm” - anh Phương cho biết.

Khi biết UBND xã Nhị Bình làm ngoài giờ hành chính từ 17 giờ tới 18 giờ 30 vào thứ Tư hằng tuần, chị Võ Thị Minh Châu (28 tuổi, ở ấp 2) đang làm việc cho một doanh nghiệp may ở quận Tân Phú, TP.HCM cho biết chị Châu tranh thủ sau giờ làm việc tới UBND xã để làm giấy đăng ký kết hôn. “sau chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, cán bộ xã đã giải quyết xong thủ tục làm giấy kết hôn cho tôi. Cách làm này rất hay, giúp ích cho rất nhiều người không thuận lợi về mặt thời gian” - chị Châu chia sẻ.

Tương tự, anh Trần Thanh Hải (36 tuổi, ở ấp 3) cũng làm việc theo giờ hành chính cho một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Sau khi hết giờ làm, tôi về nhà mang giấy tờ ra UBND xã công chứng để sáng sớm hôm sau kịp gửi về quê. Thực tình mà nói, tôi không biết xoay xở sao nếu UBND xã Nhị Bình không tổ chức làm việc ngoài giờ hành chính”.

Tiếp theo là thực hiện mô hình 2G (gần dân và giúp dân). Mô hình này có nghĩa giao, trả kết quả hồ sơ sao y, chứng thực tại nhà cho bà con vào các ngày làm việc trong tuần từ 16 giờ cho đến khi trả hết hồ sơ bà con yêu cầu. Người dân trên địa bàn phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM vui mừng nhờ cán bộ phường xuống tận nhà tư vấn, làm hồ sơ đất đai.

Bà Phan Duy Thiên Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, cho biết số lượng hồ sơ sửa chữa nhà, xác nhận tình trạng nhà trên địa bàn phường nhiều mà thủ tục lại rườm rà. Trong khi nhiều người dân không am hiểu thủ tục, chỉ biết lên phường bấm số ngồi chờ, rồi thiếu giấy này, giấy kia khiến lãnh đạo phường nhiều lần băn khoăn, trăn trở.

Đó là lý do UBND phường Bình Trị Đông chọn hai thủ tục sửa chữa nhà và xác nhận tình trạng nhà để xuống tận nơi làm hồ sơ cho dân. Theo đó, nếu người dân có nhu cầu làm hồ sơ tại nhà có thể liên lạc đến phường qua các kênh thông tin như đường dây nóng, số điện thoại của cán bộ, lãnh đạo phường… Cán bộ phường sẽ chủ động liên lạc lại với người dân, dặn dò người dân chuẩn bị đủ giấy tờ, rồi xuống làm việc cho nhanh gọn. Hồ sơ cũng được trả tận nhà cho dân khi hoàn thiện.

“Chúng tôi chỉ muốn tiết kiệm thời gian cho dân, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân không phải đi lại nhiều lần. Hơn nữa, gặp riêng dân tại nhà, cán bộ sẽ có nhiều thời gian để giải thích, hướng dẫn hơn” - bà Tâm nhấn mạnh.

Bà Tâm cho biết thêm: Xuống tận nhà dân làm hồ sơ cho tôi một cảm giác thoải mái hơn, gần gũi với người dân hơn, khác xa không khí căng thẳng trên bộ phận một cửa. Ở đây không quá rập khuôn, sau khi hướng dẫn thủ tục sửa chữa nhà hay xác nhận tình trạng nhà cho dân xong, bà con ai thắc mắc về những vấn đề khác mà tôi am hiểu thì đều nhiệt tình tư vấn. Đôi khi chúng tôi còn trò chuyện, hỏi thăm về gia cảnh của nhau, về cuộc sống hằng ngày.

Có người dân ngạc nhiên bảo lần đầu mới thấy cán bộ xuống nhà thế này nên họ mừng và cảm kích lắm. Tôi cũng được vui lây, hôm sau bắt đầu một ngày đi làm mới mà tâm trạng còn vui sướng vì mấy câu chuyện giản dị với bà con tối qua.

-----------------------------------

(Bài 2: Từ tư duy “hành là chính” sang tư duy phục vụ)

 

Nguyễn Văn Minh
12/08/2020 20:00
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN