Lan tỏa Hội thi “Tuyên truyền, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy” ở Sư đoàn 10
(ĐCSVN) – Lần đầu tiên, Hội thi “Tuyên truyền, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy” cấp sư đoàn được Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) tổ chức. Đây là Hội thi được Cục Tuyên huấn (Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) chỉ đạo để rút kinh nghiệm, nhân rộng phong trào Học và làm theo lời Bác dạy trong toàn quân.
Theo Đại tá Đỗ Đức Dũng, Phó Chính ủy Sư đoàn 10, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, Hội thi lần này nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ, chiến sỹ quân đội, xây dựng mục tiêu, lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn, vận dụng những lời dạy của Bác vào thực tiễn sinh hoạt, học tập, công tác tại đơn vị.
Thông qua Hội thi để giáo dục, bồi dưỡng về ý chí và hoài bão, tinh thần cách mạng, quyết tâm Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, chiến sỹ toàn Sư đoàn, qua đó rút kinh nghiệm để nhân rộng và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn quân.
Hội thi được tổ chức trên cơ sở chủ trương, chỉ đạo của Cục Tuyên huấn (Tổng Cục Chính trị). Tham gia Hội thi có 03 đội dự thi đến từ Trung đoàn 66, Trung đoàn 28 và Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 3. Các đội dự thi sẽ lần lượt thể hiện 04 nội dung thi gồm: Màn chào hỏi (giới thiệu về truyền thống của Trung đoàn và đội thi); phần tuyên truyền về lời Bác Hồ dạy (mỗi đội chọn một lời Bác Hồ dạy để dàn dựng thành một tiểu phẩm có nội dung tuyên truyền đến cán bộ, chiến sỹ cùng học tập, thực hiện theo lời Bác); tiết mục múa hát (nội dung ca ngợi Bác Hồ kính yêu, Đảng quang vinh…) và tuyên truyền viên (Đội trưởng của đội dự thi) hùng biện, tuyên truyền về một lời Bác Hồ dạy mà đơn vị cho là tâm đắc, có ý nghĩa. Yêu cầu đặt ra cho cả 04 nội dung thi trên là phải tiến hành dưới hình thức sân khấu hóa.
"Mặc dù đây là lần đầu tiên tổ chức, nội dung và hình thức mới mẻ, nhưng các đội tham dự và các thành viên của Ban tổ chức, Ban giám khảo đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, điều hành quá trình thi đúng kế hoạch, yêu cầu đề ra, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công minh, chính xác nên kết quả mang lại khá trọn vẹn, có sức lan tỏa, thuyết phục cao” - Đại tá Đỗ Đức Dũng nhận xét.
Trong khi đó, với tư cách là thành viên, đồng thời là Đội trưởng đội thi đến từ Trung đoàn 66, Thượng úy Trương Văn Thế - Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) cho biết: Khi đến Hội thi, đơn vị đã quán triệt chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên về mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức của Hội thi. Đăc biệt trước đó, đơn vị đã làm khá tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo lời Bác gắn với nhiều phong trào rèn luyện đạo đức, tác phong của cán bộ, chiến sỹ. Nhiều kết quả quả học tập và làm theo Bác của cá nhân và tập thể trong đơn vị được tuyên dương, nhân rộng. Vì thế, sau khi nhận và triển khai Kế hoạch tham dự Hội thi, đơn vị đã chuẩn bị rất kỹ càng, chu đáo nhiều công việc có liên quan, tự tin lựa chọn cán bộ, chiến sỹ tham gia luyện tập chu đáo.
Tuy nhiên, theo Thượng úy Trương Văn Thế, bên cạnh sự quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ cũng như sự quan tâm chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị là những thuận lợi lớn thì khó khăn đặt ra khi đến với Hội thi là yêu cầu các phần thi phải được triển khai dưới hình thức sân khấu hóa. Trong khi đó, cán bộ, chiến sỹ tham gia là những người mới nhập ngũ, họ cũng là những người không chuyên và chưa từng dự thi những hội thi tương tự nên luyện tập rất khó khăn, nhất là trong diễn xuất. Do vậy, quá trình luyện tập rất tốn kém thời gian và công sức, kể cả phần xây dựng kịch bản cũng phải dành nhiều công sức, trí tuệ để đầu tư cho nội dung này.
“Với chủ đề: “Hồ Chí Minh sáng mãi tên Người”, đơn vị chúng tôi đã triển khai các nội dung thi khá thành công. Thông qua các phần thi này, đơn vị đã gửi đến cán bộ, chiến sỹ và Hội thi tinh thần tích cực, tự giác nghiên cứu, siêng năng rèn luyện theo gương Bác để ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn, xứng đáng với danh hiệu Người chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam” - Thượng úy Trương Văn Thế cho biết thêm.
Cũng đến với Hội thi, đội thi đến từ Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) qua 4 phần dự thi của mình với chủ đề “Vang mãi trong tim lời Bác” đã bày tỏ thông điệp “Học và làm theo Bác là thường xuyên, liên tục và trong mọi hoàn cảnh”.
Khẳng định về những nỗ lực của đơn vị khi đến với Hội thi, Đại úy Lại Anh Tuấn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28 cho biết: Do xác định đây là Hội thi mới với nội dung tuyên truyền lời Bác Hồ dạy dưới hình thức sân khấu hóa, do đó khi đã tham gia thì phải có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầu tư cho phần luyện tập và kịch bản có chất lượng. Trong khi đó, theo yêu cầu của Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị là chọn Sư đoàn 10 làm điểm, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn quân.
“Chính những yêu này đã đặt rất nhiều khó khăn cho các đơn vị tham gia, đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực, quyết tâm mới có thể đáp ứng được. Để khắc phục các khó khăn, ngay trong các khâu chuẩn bị, từ việc quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn để chỉ đạo xây dựng kịch bản, xây dựng kế hoạch và thực hiện tiến độ theo kế hoạch cũng như báo cáo thủ trưởng cấp trên; quá trình lựa chọn những hạt nhân chủ chốt của đơn vị lẫn đơn vị kết nghĩa để luyện tập; kịch bản được xây dựng chặt chẽ và được Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn thông qua 2 lần, 2 lần kiểm tra của Sư đoàn, sau đó báo cáo xin ý kiến của Cục Tuyên huấn… Có thể nói mọi khâu chuẩn bị là hết sức chu đáo và công phu, có sự đầu tư bài bản”- Đại úy Lại Anh Tuấn chia sẻ và khẳng định thêm: “Chúng tôi không quan tâm nhiều đến giải, dù đạt giải nào cũng quý nhưng quan trọng hơn là từ việc tuyên truyền tại Hội thi lần này, chúng tôi mong muốn cán bộ, chiến sỹ tiếp nhận, giác ngộ và tự giác hành động theo lời Bác Hồ dạy bằng những việc làm cụ thể và có sức lan tỏa rộng rãi trong toàn quân”.
Tuy nhiên, cũng theo Đại úy Lại Anh Tuấn, cái khó lớn khi đến với Hội thi là nhiều nội dung và hình thức yêu cầu khá mới mẻ, chưa có đơn vị nào làm, chưa có mô hình cụ thể, tương tự. Do đó, quá trình các đội dự thi cũng là quá trình tự mày mò, tìm hiểu và xin ý kiến của thủ trưởng các cấp. Thông qua đó mỗi đội có sự cố gắng chắc lọc những hạt nhân, những tinh túy nhất của đơn vị mình để mang đến Hội thi với mong muốn gạt bỏ qua các khó khăn mà làm lan tỏa, rộng rãi những bài học và lời dạy của Bác kính yêu, qua đó giúp mỗi cán bộ, chiến sỹ học tập, cụ thể hóa tại đơn vị cho phù hợp.
Đối với các phần dự thi của đội thi đến từ Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), theo Đại úy Bùi Minh Lịch, Chính trị viên Đại đội 14, Đội trưởng đội thi thì, do đơn vị Trung đoàn 24 đóng quân xa trung tâm thị trấn Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) nên việc phối hợp luyện tập với đơn vị kết nghĩa rất khó khăn. Ngoài ra, yêu cầu đặt ra đối với cả 4 phần dự thi là phải triển khai dưới hình thức sân khấu hóa nên ban đầu, toàn đội gặp rất vất vả trong luyện tập cũng như xây dựng, chỉnh sửa kịch bản.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực cao của mỗi thành viên trong đội dự thi; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, đóng góp của Thủ trưởng đơn vị và cấp trên nên bài thi của đơn vị đã hoàn thành khá thuyết phục. “Với thông điệp từ bài thi là “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, đây vừa là mục đích tuyên truyền nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm, sự tự giác phấn đấu rèn luyện của cán bộ, chiến sỹ đơn vị hằng ngày, hằng giờ. Do đó, ở các phần thi lần này, mỗi thành viên trong đội chúng tôi luôn tự nhắc nhỡ mình để có thêm động lực để diễn xuất, trình bày bài thi có chất lượng. Cụ thể, mỗi thành viên của đội khi diễn xuất đều suy nghĩ và cố gắng thể hiện được thông điệp: Khi nhớ đến Bác, chúng ta càng yêu Bác, kính trọng Bác và đó cũng là lúc ta thấy lòng mình trong sáng hơn, làm nhiều việc tốt đẹp, có ích hơn cho cộng đồng và xã hội” - Đại úy Lại Anh Tuấn chia sẻ.
Có thể nói, đến với Hội thi lần này, mỗi đội dự thi mang đến những nội dung và thông điệp khác nhau nhưng lại cùng chung một mục đích là làm cho những lời Bác Hồ dạy, làm cho các tấm gương, những việc làm theo Bác tại Sư đoàn 10 được lan tỏa, nhân rộng hơn. Hy vọng sau Hội thi này, các cấp lãnh đạo Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) sẽ rút ra nhiều kinh nghiệp và được Cục Tuyên huấn (Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) đánh giá, tiếp tục tổ chức nhân rộng trong toàn quân thời gian tới./.