Lan tỏa giá trị hạnh phúc trong môi trường học đường
(ĐCSVN) - Học tập ở trường học hạnh phúc không phải là học ít hơn, mà là học trong sự thích thú, sáng tạo, học trong sự hạnh phúc. Do đó, theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời công cuộc đổi mới giáo dục.
Trường học hạnh phúc hướng đến tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử để qua đó, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. |
Tháng 10/2023, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc. Trong đó, có 6 tiêu chí về con người, 8 tiêu chí về dạy học và hoạt động giáo dục, 4 tiêu chí về môi trường. Ở từng tiêu chí, cơ sở giáo dục được đánh giá ở 3 mức độ là cần cải thiện, khá, tốt.
Trường học hạnh phúc hướng đến tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử để qua đó, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng hình ảnh con người TP Hồ Chí Minh tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tế, dựa trên nhu cầu tự thân của cơ sở giáo dục, không nhằm chạy theo thành tích.
Là địa phương đầu tiên cả nước ban hành bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc, qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã bước đầu tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác tổ chức dạy và học tại TP Hồ Chí Minh, góp phần tăng tính kết nối và lan tỏa giá trị hạnh phúc trong học đường.
Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố có 2.362 trường học, trong đó có 1.275 trường mầm non, 520 trường tiểu học, 295 trường trung học cơ sở, 205 trường trung học phổ thông, 31 cơ sở giáo dục thường xuyên và 36 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Cho đến nay, đã có 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã triển khai xây dựng trường học hạnh phúc. Có thể kể ra nhiều mô hình, cách làm sáng tạo của các trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như tăng cường các dự án học tập kết hợp nhiều môn học, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại giữa ban giám hiệu với học sinh các khối lớp, triển khai các sáng kiến xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp… Nhờ những nỗ lực đó, không gian học tập được đổi mới từ nội dung đến hình thức, phương pháp học tập và kiểm tra, đánh giá học sinh. Qua đó cũng giúp nâng cao chất lượng dạy và học, cải thiện được kết quả học tập của học sinh.
Với ý nghĩa mà mô hình mang lại, hi vọng những giá trị cốt lõi của mô hình trường học hạnh phúc sẽ ngày càng được lan tỏa trong môi trường học đường không chỉ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà còn trên phạm vi cả nước. |
Thực tế có thể thấy, TP Hồ Chí Minh đã khẳng định đượcc vai trò tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai mô hình này. Trường học trên địa bàn Thành phố không chỉ là nơi truyền tải kiến thức và kỹ năng, mà từng bước trở thành những ngôi nhà thứ hai thật sự hạnh phúc của học sinh mà ở đó mỗi học sinh sẽ được tôn trọng sự khác biệt, được cảm nhận sự yêu thương và sẻ chia từ bạn bè và thầy cô.
Mới là bước đầu triển khai, để xây dựng thành công trường học hạnh phúc, Sở cũng cần có thêm những nghiên cứu, tham khảo và học hỏi từ những mô hình xây dựng trường học hạnh phúc, trường học tiên tiến trong và ngoài nước, nhằm có cơ sở để tham mưu UBND Thành phố trong việc triển khai kế hoạch đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Song song đó, Sở GD-ĐT Thành phố cần duy trì và nhân rộng được các giá trị cốt lõi, đảm bảo trường học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà phải đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong mô hình này, các chuyên gia cho rằng, chính đội ngũ giáo viên là mắt xích vô cùng quan trọng giúp hiện thực hóa các mô hình, mục tiêu đề ra của trường học. Không chỉ truyền dạy cho học sinh kiến thức văn hóa, thầy cô còn rèn luyện cho các em đạo đức làm người, lối sống lành mạnh, tích cực, biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Khi đó, giáo dục không còn hướng đến mục tiêu duy nhất là điểm số. Thay vào đó, trường học là nơi nói "không" với bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Trong môi trường được đảm bảo an toàn đó, giáo viên và học sinh có thể đồng hành, cảm thông, chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Vấn đề xây dựng trường học hạnh phúc cũng được xem là nhiệm vụ tất yếu của ngành giáo dục nói chung và từng nhà trường nói riêng. Tùy điều kiện thực tế ở mỗi trường học mà Ban giám hiệu nhà trường có chiến lược xây dựng mang tính đặc thù. Tuy cách thức thực hiện khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng của Trường học hạnh phúc là cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày đến trường.
Và để thực hiện tốt điều này, từng giáo viên, nhà trường và kể cả phụ huynh học sinh… cần thay đổi tư duy. Mà trước tiên, giáo viên có vai trò quan trọng, có trách nhiệm cao để góp phần xây dựng môi trường học đường ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn như chính mục tiêu mà mô hình trường học hạnh phúc đặt ra.
Mô hình trường học hạnh phúc đã được triển khai ở một số nước trên thế giới trong đó chủ yếu ở một số nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chia sẻ về mô hình này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Học tập ở trường học hạnh phúc không phải là học ít hơn, mà là học trong sự thích thú, sáng tạo, học trong sự hạnh phúc. Do đó, theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời công cuộc đổi mới giáo dục” .
Với ý nghĩa mà mô hình mang lại, hi vọng những giá trị cốt lõi của mô hình trường học hạnh phúc sẽ ngày càng được lan tỏa trong môi trường học đường không chỉ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà còn trên phạm vi cả nước./.