Làm từ thiện phải có văn hoá
(ĐCSVN) - Gần đây, cụm từ "văn hoá từ thiện" được nhắc nhiều trên báo chí và mạng xã hội với những ý kiến trái chiều. Hoạt động từ thiện tự thân đã là hành vi văn hóa cao và là thước đo văn minh của cá nhân, tổ chức và rộng hơn là một quốc gia dân tộc. Tuy nhiên làm từ thiện cũng cần phải có văn hóa, văn hóa từ thiện. Đừng mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, phô trương đạo đức.
Dân tộc ta có truyền thống “yêu nước, thương nòi”, đã có rất nhiều câu ca dao tục ngữ như “Thương người như thể thương thân”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “lá lành đùm lá rách. Lá rách ít, đùm lá rách nhiều”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để nói về truyền thống này.
Phong trào từ thiện góp phần giúp người dân miền Trung vượt qua thiên tai, lũ lụt. |
Đại dịch COVID-19 vừa qua và thảm họa thiên tai ở miền Trung hiện nay đã khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động rất đáng quý, đáng trân trọng. Phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” đã được dấy lên trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch COVID-19 từ quyên góp hỗ trợ các y bác sĩ trên tuyến đầu để có đủ sức khỏe phòng, chống dịch đến việc hỗ trợ những người dân ở vùng bị cách ly hay người bị mất việc làm, không có thu nhập, không bị đói ăn, đứt bữa. Đâu đâu cũng thấy hoạt động nhân đạo từ thiện, từ Chính phủ đưa những chuyến bay cứu trợ đón công dân Việt Nam về nước từ khắp thế giới, Quân đội mở cửa doanh trại đón người cách ly và phục vụ họ tận tình như người thân đến người dân giúp nhau từ cái khẩu trang, bánh mì, hộp cơm để đi qua mùa dịch.
Trong thảm họa thiên tai, đại hồng thủy và sạt lở đất do mưa bão vừa qua ở miền Trung, với thiệt hại nặng nề về người và của ở các tỉnh miền Trung một lần nữa người dân cả nước chung tay để giúp nhân dân miền Trung vượt qua thiên tai, hoạn nạn.
Hình ảnh những cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân tổ chức từ thiện đến với các vùng thiên tai để chung tay góp sức sẻ chia khó khăn giúp người dân miền Trung vượt qua mất mát, đau thương đã để lại những hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của văn hóa Việt. Thế nhưng làm từ thiện cũng phải có văn hóa, văn hóa từ thiện, đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức.
Thực tế thời gian qua, có nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc lỗi mốt, lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn thức uống sắp hết hạn sử dụng để cho người nghèo và đã làm tổn thương họ vì họ cũng là những người rất giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương. Của cho không bằng cách cho, cả văn hóa cho nhận cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không bị cảm giác ban ơn, bố thí, nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc.
Được biết, vừa qua, hệ tri thức Việt số hóa đã giúp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đưa vào sử dụng nền tảng nhân đạo số (iNhandao), cập nhật gần 20.000 địa chỉ nhân đạo để cung cấp thông tin trực tiếp cho người làm từ thiện. Người cho có thể kết nối trực tiếp với người nhận, cho những gì người đó cần và Hội Chữ thập đỏ đóng vai trò điều phối và giám sát nếu cần thiết. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Ngân hàng quân đội MB sẽ tham gia vận chuyển hàng và tiền đến trực tiếp các địa chỉ nhân đạo có nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, mạnh thường quân. Công tác thiện nguyện sẽ được từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để đạt hiệu quả cao hơn, minh bạch và tiết kiệm hơn.
Hy vọng các tổ chức, cá nhân, các địa phương sớm ứng dụng nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn), để văn hóa cho - nhận, văn hóa từ thiện được nâng cao và công tác nhân đạo từ thiện được thực hiện một cách khoa học, chuyên nghiệp, hiệu quả và nhân văn hơn.
Liên quan đến vấn đề từ thiện và công tác cứu trợ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu nêu quan điểm và đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo sửa đổi Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để phù hợp với tình hình mới, vừa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia, vừa đảm bảo việc quản lý, giám sát các hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng vận động quyên góp, phân phối, cứu trợ để trục lợi hoặc thực hiện các âm mưu, mục đích khác gây mất an ninh, trật tự ở địa phương.
Cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình cứu trợ. (Ảnh minh họa: TL) |
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện quy trình cứu trợ theo từng nhóm đối tượng tham gia, lực lượng nào tham gia bước nào, quy định nào bắt buộc, quy định nào địa phương phải xây dựng cho phù hợp với điều kiện địa phương, các tổ chức, cá nhân tham gia ở bước nào, theo quy trình nào, cái gì được quyết, cái gì phải có sự tham gia của chính quyền, nhân dân địa phương nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn của nhân dân và cao hơn nữa là giữ vững kỷ cương, phép nước, niềm tin của nhân dân, chính quyền và cán bộ địa phương để không xảy ra hiện tượng cứu trợ tự phát, vừa nguy hiểm, vừa không hiệu quả, lãng phí công sức và không công bằng, minh bạch như nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu Hội cho biết, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng quy trình 8 bước trong phòng ngừa ứng phó thảm họa thiên tai theo hướng dẫn của Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện quy trình này để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Quy trình này vừa đảm bảo triển khai công tác cứu trợ nhanh nhạy, hiệu quả, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch và đồng thuận do có sự tham gia trực tiếp của chính quyền và của người dân địa phương./.