Lạm thu- nói mãi vẫn vậy!
(ĐCSVN) - Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học mới, nhiều nơi lại lùm xùm chuyện lạm thu, năm nay cũng không ngoại lệ. Mới tuần đầu năm học mới, dư luận, đặc biệt là trên mạng xã hội đã "sôi sục" tình trạng lạm thu, gây nhiều bức xúc.
Mặc dù trước năm học mới, các sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đều hướng dẫn chi tiết công tác thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác, thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn rất bức xúc tình trạng lạm thu đầu năm học, thậm chí còn tố cáo trên mạng xã hội. Thế nhưng, để xử lý lạm thu không phải dễ dàng...
Ảnh minh họa. Nguồn: Mạnh Hùng.
Vì sao không dễ “bắt tận tay, day tận trán” lạm thu để xử lý?
Đơn giản, nhiều trường phổ thông lợi dụng chủ trương “xã hội hóa” để đưa ra nhiều danh mục đóng góp theo hình thức tự nguyện, "núp bóng" hội phụ huynh học sinh. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các phụ huynh chỉ đóng góp 2 khoản bắt buộc là học phí (trừ bậc tiểu học được miễn học phí), tiền học bán trú đối với các trường dạy 2 buổi/ngày và bảo hiểm y tế (theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, do các trường đứng ra thu hộ). Còn lại các khoản thu khác đều được thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh như: Sổ liên lạc điện tử; ghế ngồi; chăm sóc bán trú; học tiếng Anh tăng cường; tin học, năng khiếu tự chọn… Chưa kể còn các khoản thu mang tính chất thu hộ - chi hộ để mua sắm, phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh như: Máy máy điều hòa, mua máy chiếu… Đây chính là kẽ hở để lạm thu có “đất sống”.
Những khoản thu này đều được thực hiện sau khi có các cuộc họp phụ huynh đầu năm, có văn bản thỏa thuận với ban phụ huynh học sinh các lớp và của trường. Nói là "thỏa thuận", song gần như các trường đã đặt sẵn mức phải đóng.
Có thể thấy, giờ đây lạm thu ngày càng tinh vi. Để tránh tình trạng dồn cục, thắc mắc rùm beng, nhiều trường đã “xé lẻ” các khoản thu thành nhiều đợt, như: Tiền đồng phục; học tiếng Anh liên kết; Quỹ phụ huynh nhà trường; Quỹ lớp… rồi trước sau gì vẫn phải đóng hết.
Chị Bùi Kim Phượng, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội có con học lớp 3 bức xúc chia sẻ: “Trường tiểu học con tôi năm nay không thu tập trung vào đầu năm học, mà đã thu “rải rác” từ cuối tháng 8, nhưng vẫn không thiếu khoản nào. Lớp học của cháu đã được các anh, chị khóa trên “để lại” 2 máy điều hòa, 4 cái quạt. Vậy mà không hiểu sao vẫn thu tiền cơ sở vật chất 1 triệu đồng/cháu?”.
“Ngoài những khoản “tự nguyện” như mọi năm, năm nay cô giáo còn “chỉ định” phải mua đồ dùng học tập theo đúng “chuẩn” của cô như: Bút mực, bút chì, thước kẻ, vở viết. Nếu không mua được đúng “chuẩn” thì sẽ phải đặt cô mua hộ. Phụ huynh làm gì có thời gian đi tìm mua được đúng những thứ đó, nên phải “nhờ” cô mua giúp. Trong khi con tôi được thưởng bao nhiêu vở và bút viết. Thấy vô lý mà chẳng thể làm gì được...” – chị Kim Phượng chia sẻ.
Hay vừa mới đây, tập thể phụ huynh của một trường tiểu học ở huyện Đông Anh, Hà Nội gửi đơn tố cáo nhà trường thu của học sinh nhiều khoản tiền bất hợp lý. Cụ thể, đối với các khoản thu hè năm 2017 – 2018 bao gồm: Học kỹ năng sống hè: 100.000đ/1HS; học văn hóa hè: 525.000đ/1HS; quần áo đồng phục: 670.000đ/HS; cơ sở vật chất bán trú: 100.000đ/HS/năm; mua máy chiếu: 800.000đ/HS...
Các khoản thu đầu năm 2017 – 2018 bao gồm: Học kỹ năng sống 1 tiết/tuần: 40.000đ/1 tháng (9 tháng = 360.000đ/HS); chăm sóc bán trú: 120.000đ/HS/tháng; dạy 2 buổi/ngày: 100.000đ/HS/tháng; học sinh khối 1 và các lớp thường, mỗi học sinh bị thu hỗ trợ soạn giảng 35.000đ/tháng; sổ liên lạc điện tử: thu 15 000đ/HS/tháng (9 tháng = 135.000đ/HS/năm); nước uống: 100.000đ/HS/năm; học tiếng Anh: 2 tiết/tuần: 50.000đ/HS/tháng; bảo hiểm thân thể: 100.000đ/HS; bảo hiểm y tế: 614.250đ/HS...
Ngoài ra, các khoản nhà trường ép phụ huynh “tự nguyện” nộp trong năm học 2017 – 2018 gồm có: Xã hội hóa giáo dục 200 000đ/HS (HS trái tuyến: 300 000đ); quỹ hội cha mẹ 150.000đ/HS; quỹ khuyến học: 70.000đ/HS; thuê phông bạt che khai giảng, bế giảng: 50.000đ/HS.
Khi được hỏi về các khoản thu này, lãnh đạo trường tiểu học này xác nhận có thu các khoản đó, nhưng cho rằng, đó là trên nguyên tắc tự nguyện, là sự thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường chứ nhà trường không ép buộc.
Thực tế, những khoản thu này có hợp lý hay không, mức thu có thỏa đáng hay không thì rất khó đong đếm. Nhiều phụ huynh chia sẻ, mặc dù thấy rõ lạm thu, nhưng không thể bóc, tách được các khoản thu trái quy định, càng không thể không đóng. Đối với những gia đình khá giả thì việc đóng góp thêm không phải là vấn đề gì lớn. Nhưng đối với gia đình làm công ăn lương có mức sống trung bình, chưa kể gia đình nghèo khó thì các khoản thu “tự nguyện” hay “thỏa thuận” lên đến tiền triệu là chuyện không đơn giản.
Trước đầu năm học mới, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành hướng dẫn công tác thu - chi trong các trường công lập, năm học 2017 - 2018. Theo quy định của Sở, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về các khoản thu - chi sai quy định; để xảy ra tiêu cực trong thu hoặc ép buộc học sinh may (mua) đồng phục trái quy định.
Các cơ sở giáo dục phải trả lại tiền cho học sinh và phụ huynh nếu thu sai quy định. Đối với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, thu theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Các đơn vị chỉ được vận động, thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp…
Đại diện hội phụ huynh học sinh không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện, như: Bảo vệ nhà trường; trông coi phương tiện học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Không dừng lại ở đó, trên mỗi một địa bàn quận, huyện, Hà Nội công bố số điện thoại đường dây nóng để người học, phụ huynh kịp thời phản ánh các hiện tượng thu - chi không đúng quy định.
Trước đó, về phía Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi đi các địa phương, trong đó đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Các địa phương phải tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm.
Có thể thấy, các cơ quan quản lý giáo dục đã vào cuộc với quyết tâm chấn chỉnh việc lạm thu đầu năm học và thực tế cũng đã có sự chuyển biến nhất định, song hiện nay, hiện tượng này vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau...
Lạm thu - nói mãi vẫn vậy! Dẫu biết rằng có một số khoản thu bất hợp lý, nhưng... các gia đình có con đi học vẫn sẽ phải chuẩn bị một khoản tiền kha khá để sẵn sàng đóng(?!).