Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Làm thế nào để tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay?

Thứ Sáu, 21/05/2021 17:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự nhấn mạnh: Việc bầu hộ, bầu thay làm mất đi quyền dân chủ trực tiếp của cử tri, vi phạm nguyên tắc bầu cử.

Chiều ngày 21/5, Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG) tổ chức Họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021.

Tại Họp báo, nội dung về giải pháp nào để giảm tình trạng bầu hộ, bầu thay, chống bệnh thành tích trong tổ chức bầu cử là vấn đề nhận được sự quan tâm của báo chí.

Trả lời nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh,Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng, đây là câu chuyện rất thời sự, bởi vì mục tiêu và nguyên tắc bỏ phiếu là phổ thông, trực tiếp, bình đẳng và đi bầu cử ĐBQH và HĐND là quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri để bầu ra người đại diện cho mình. Việc bầu hộ, bầu thay làm mất đi quyền cử tri của mình. Đi bầu cử là thể hiện quyền dân chủ trực tiếp.

Tuy nhiên, trong thực tế, bà Nguyễn Thị Thanh thừa nhận cũng có trường hợp đi bầu thay, bầu hộ.

Để tránh tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử có ý nghĩa quan trọng đối với người dân nói chung và cử tri nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Thanh,Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia  thông tin tại buổi Họp báo. Ảnh: TH.

Bà Nguyễn Thị Thanh bày tỏ mong muốn, chỉ còn 2 ngày nữa là đến Ngày hội non sông. Các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục là cánh tay “nối dài” của Hội đồng bầu cử quốc gia cùng với các tổ chức bầu cử tuyên truyền giúp cho người dân nói chung và mỗi cử tri nói riêng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia bầu cử, ý thức trách nhiệm trong bầu cử; giúp cho cử tri hiểu việc bầu hộ, bầu thay là vi phạm nguyên tắc bầu cử, đặc biệt quan tâm cử tri ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh tuyên truyền, cần bố trí địa điểm, thời gian cho cử tri thuận lợi bầu cử. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc vận động, tuyên truyền, nhắc nhở các cử tri tham gia bầu cử đúng nguyên tắc và đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Thanh thông tin thêm: Theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 16 tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh: Bà Rịa- Vũng Tàu; Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đăk Nông, Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Bạc Liêu, Bắc Ninh tiến hành bỏ phiếu sớm. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn của 3 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam đã có một số khu vực tổ chức bầu cử sớm.

Tại cuộc Họp báo, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết: Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Nhìn chung, công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành theo đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và tiến độ theo quy định, có cơ cấu hợp lý. Nhân sự được giới thiệu cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đảm bảo nguyên tắc, đúng luật, nâng cao chất lượng, với phương châm không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử như Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm đúng pháp luật, đúng thành phần, số lượng thành viên và thời gian theo luật định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID -19, các địa phương đã theo dõi chặt chẽ tình hình và chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các khu vực bỏ phiếu, các điểm bỏ phiếu; tăng cường kiểm tra, xử lý vụ việc tụ tập đông người, không mang khẩu trang nơi công cộng; tăng cường biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch như: kiểm tra, giám sát việc tiêm chủng vắc xin; tập trung điều tra truy vết, cách ly những trường hợp nghi nhiễm, nhập cảnh trái phép; giám sát chặt chẽ các khu cách y tập trung; điều trị, quản lý, giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp mắc…

Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập 23 đoàn công tác đến làm việc tại 53 tỉnh, thành phố để giám sát, kiểm tra về công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương. Các địa phương cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đảm bảo đúng quy định.

Theo thống kê, toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu./.

 

 

 

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN