Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Làm rõ các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo

Thứ Sáu, 09/06/2017 18:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 9/6, tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã giải trình làm rõ thêm 2 nhóm vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo được các đại biểu và cử tri quan tâm.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VA

Giải trình nhóm vấn đề liên quan đến những chính sách đối với học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ GD&ĐT đã đề nghị với Chính phủ Nghị định 116 ưu tiên những vùng đặc biệt khó khăn, nhưng trong quá trình một số xã nghèo thoát khó khăn thì số này sang chế độ không được hưởng chế độ. Trong phiên họp vừa rồi, Chính phủ cũng hết sức quan tâm, trong đó đối với mầm non 5 tuổi không phân biệt người dân tộc mà tất cả học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn đều được miễn học phí bắt đầu từ năm 2018. Còn các học sinh có hoàn cảnh khó khăn Bộ GD&ĐT ghi nhận và tiếp tục tham mưu Chính phủ, vì số này tăng lên, cho nên kinh phí để hỗ trợ cho những học sinh thuộc đối tượng ra khỏi diện khó khăn cũng rất nhiều.

Đề cập chính sách liên quan đến thể chất, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, gần đây tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ thành lập Vụ Giáo dục thể chất để có điều kiện thuận lợi chăm nom cho thể lực của học sinh.

Về bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Chính phủ ban hành nghị định về môi trường an toàn cho học sinh ở các trường phổ thông, Bộ cũng ban hành và đang thực hiện các kế hoạch cùng với Trung ương đoàn để tăng cường môi trường an toàn cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng ban hành các chỉ thị đối với các cơ sở giáo dục và cũng đã có văn bản với các địa phương và các bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên gần đây.

Nhóm vấn đề thứ hai, liên quan đến đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết 29, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 29, trong đó đặc biệt triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội là đổi mới chương trình sách giáo khoa, mà muốn nâng cao được chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực. Trong đó động lực đối với giáo viên và quản lý các nhà giáo là hết sức quan trọng. Thực tế với chế độ công chức, viên chức như hiện nay còn nhiều bất cập, bất cập rõ là vấn đề tuyển dụng do công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp đặc biệt là phổ thông cho nên việc tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt là chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa, thiếu cục bộ rất nhiều.

Thứ hai, động lực phần nhiều giáo viên tâm lý là vào biên chế cho ổn định, rất khó khăn trong vấn đề phải nâng cao kiến thức, đặc biệt về phẩm chất, năng lực để đáp ứng được nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không được nâng cao. Bộ mới đặt vấn đề nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động và trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường THPT có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiệm.

“Đối với khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới, vì đây là yếu tố có thể nói là quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có từng bước lộ trình để thực hiện. Chúng tôi đang nghiên cứu để đề xuất làm từng bước dẫn đến mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ và quản lý nhà giáo, qua đó thực hiện được thành công đổi mới mà theo Nghị quyết 29 đưa ra. Trong Nghị quyết 29 cũng nêu rất rõ năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và năng lực phẩm chất dạy theo phương pháp mới, kiên quyết có thể đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu mới. Chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ lộ trình bước đi và chúng tôi thực hiện một cách căn cơ” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết thêm, gần đây, Bộ có trao đổi với các đơn vị và các sở, chủ trương này thì nhất trí và dư luận xã hội rất quan tâm và đồng hành, điều quan trọng là lộ trình, bước đi như thế nào để phù hợp với điều kiện của các cơ sở và tâm lý của giáo viên./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN