Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lạm phát tại Canada hạ nhiệt

Thứ Tư, 17/08/2022 16:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 16/8, Cơ quan Thống kê Canada công bố số liệu cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7/2022 tại nước này đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm nhẹ so với mức 8,1% trong tháng 6 - mức lạm phát cao nhất trong gần 40 năm qua.

Giá xăng giảm là nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát toàn phần tại Canada giảm
trong tháng 7/2022. (Ảnh: The Canadian Press)

Lạm phát tại Canada trong tháng 7 đã bắt đầu hạ nhiệt, trong bối cảnh giá xăng giảm, nhưng lạm phát cơ bản (không tính chi phí thực phẩm và năng lượng) không hạ nhiệt nhiều, cho thấy Ngân hàng trung ương Canada (BoC) cần tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế áp lực lạm phát.

Theo Cơ quan Thống kê, mặc dù giá xăng tăng 35,6% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm mạnh so với mức 54,6% hồi tháng 6 và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Giá xăng giảm là nguyên nhân chính khiến lạm phát toàn phần giảm. Tuy nhiên, giá hàng tạp hóa tăng với tốc độ hàng năm là 9,9% trong tháng 7 so với mức 9,4% trong tháng 6.

Dữ liệu lạm phát hiện tại phù hợp với ước tính của BoC. Lạm phát tại Canada và Mỹ đã tăng gần như đồng thời. Lạm phát tại Mỹ được báo cáo vào tuần trước đã cao hơn so với mức dự kiến hồi tháng 7. Chỉ số CPI tại Mỹ tháng 7 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hạ nhiệt so với mức 9,1% trong tháng 6 do giá năng lượng giảm.

BoC hồi tháng 7 dự báo rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức khoảng 3% vào cuối năm 2023 và trở lại mức mục tiêu 2% cho đến cuối năm 2024. Các nhà phân tích tài chính dự kiến BoC sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất quy mô lớn nữa vào tháng 9, có thể là 0,5 hoặc 0,75%.

Trước đó, ngày 13/7 vừa qua, BoC đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 1% lên mức 2,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/1998. Quy mô của đợt tăng lãi suất này lớn hơn mức tăng được dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế ở mức 0,75%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 3/2022. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada, bà Chrystia Freeland cho biết, Chính phủ liên bang đã phản ứng với xu hướng leo thang của lạm phát bằng các biện pháp ngân sách và khắc phục một số nguyên nhân dẫn đến lạm phát, cũng như giải quyết các chính sách về lao động và nhà ở. Bà Freeland nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng BoC có các công cụ và chuyên môn để thực hiện công việc này".

BoC cho biết, trong năm vừa qua ngân hàng này đã đánh giá thấp hướng đi của lạm phát, do giá hàng hóa toàn cầu tăng bất ngờ và các mô hình chi tiêu tiêu dùng thay đổi mà BoC không thể tính đến được một cách đầy đủ.

“Mục tiêu của chúng tôi là đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%”, Thống đốc BoC Tiff Macklem cho biết tại cuộc họp hồi tháng 7. “Để đạt được điều đó, chúng tôi đang nhanh chóng tăng tỷ lệ lãi suất để ngăn đà gia tăng của lạm phát”, ông Tiff Macklem nhấn mạnh.

Quyết định tăng mạnh lãi suất củng cố một xu hướng đáng chú ý đã diễn ra trong những tháng gần đây tại BoC và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. BoC đã giữ lãi suất gần bằng 0 trong 2 năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 và chậm triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, ngay cả khi lạm phát bắt đầu tăng vào năm ngoái. Chính sách này đã thay đổi vào tháng 3/2022. Kể từ đó, BoC tăng lãi suất cao hơn với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ./.

H.Hà (Theo Reuters, CTV News)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN