Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lạm phát của Đức tăng cao nhất trong 28 năm

Thứ Sáu, 01/10/2021 11:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo số liệu được Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 30/9, trong tháng 9/2021, lạm phát tại Đức đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tháng tăng thứ ba liên tiếp, đồng thời là mức tăng cao nhất kể từ năm 1993.

Lạm phát của Đức tăng cao nhất trong 28 năm. (Ảnh: ukparentslounge.com)

Cũng theo số liệu được công bố, tháng 8/2021, giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng 3,8% so với năm trước.

Theo báo cáo của Destatis, giá tiêu dùng bao gồm giá năng lượng và nhiên liệu động cơ ghi nhận mức tăng cao nhất với 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 4,9%, giá cho thuê và giá dịch vụ tiếp tục tăng ở mức vừa phải so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt tăng ở mức 1,3% và 1,6%.

Destatis cho biết, lạm phát của Đức đã tăng đều đặn kể từ đầu năm, một phần là do việc áp dụng thuế carbon và kết thúc đợt cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) kéo dài 6 tháng cuối năm 2020 nhằm giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Năm ngoái, Chính phủ liên bang Đức đã quyết định giảm thuế VAT nửa cuối năm với 2 mức tương ứng từ 19% xuống còn 16% và từ 7% xuống 5%.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, việc giá dầu giảm hồi năm ngoái cũng là một nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tại Đức tăng trong nhiều tháng qua. Bên cạnh đó, nguồn cung khí đốt tự nhiên hạn chế cũng góp phần đẩy giá năng lượng tăng khi đến tay người tiêu dùng. 

Ông Fritzi Koehler-Geib, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) nhân định, giá năng lượng "có thể sẽ vẫn ở mức cao cho đến cuối năm nay". Điều này sẽ khiến lạm phát ở mức cao hơn 3% trong thời gian còn lại của năm, trước khi trở lại mức mục tiêu 2% như quy định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Trước đó, Viện nghiên cứu Kinh tế Đức Ifo đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế nước này khi những gián đoạn của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu chip cùng với các hàng hóa trung gian khác đang làm chậm đà phục hồi sau đại dịch.

Ifo dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 2,5% trong năm nay, thấp hơn 0,8% so với dự báo trước đó. Trong khi đó năm 2022, Ifo dự báo GDP của Đức sẽ tăng trưởng 5,1%, cao hơn 0,8% so với dự báo trước đó.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhiều lần cho rằng, tình trạng giá tăng gần đây ở nhiều nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ là hậu quả tạm thời của sự gián đoạn kinh tế và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do tình trạng khủng hoảng y tế toàn cầu gây ra.

Tại cuộc họp chính sách vừa qua, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,5%. Các thống đốc ECB cũng nhất trí giữ nguyên chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro.

Bên cạnh đó, ECB đã nâng mục tiêu lạm phát từ mức “thấp hơn nhưng gần 2%” lên mục tiêu 2% trong trung hạn, có nghĩa là cho phép lạm phát ở một số thời điểm có thể vượt quá mức trên dù “không mong muốn”./.

H.Hà (Theo Reuters, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN