Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Làm giả giấy tâm thần cho phạm nhân có thể bị phạt 07 năm tù

Chủ Nhật, 27/06/2021 16:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đang chấp hành án phạt tù về các tội danh giết người, hối lộ, ma túy… trong trại giam tại tỉnh Thanh Hóa, 6 phạm nhân bỗng chốc được đưa đi chữa bệnh rồi bỏ trốn nhờ một đường dây làm giấy tờ giả.

Ngày 23/6 vừa qua, TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt Vì Thị Hiếu (SN 1986, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) 5 năm tù; Hoàng Văn Sứng (SN 1985, ở Phù Cư, Hưng Yên) 4 năm tù; Ngô Việt Dũng (SN 1995, ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ) 24 tháng tù cùng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, còn Tăng Văn Tuấn (SN 1979, ở quận Đống Đa, Hà Nội) phải nhận 30 tháng tù về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Những người trên bị xác định cùng Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1979, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm giả 42 tài liệu liên quan việc giám định tâm thần cho các bị can, phạm nhân tại Trại giam Thanh Lâm (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) và Trại giam số 5 Bộ Công an (huyện Yên Định, Thanh Hóa).

 Nguyễn Thị Mai Anh, chủ mưu trong vụ án làm giả giấy tâm thần giúp các phạm nhân đi chữa trị. Trong ảnh, Mai Anh khi bị bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp)

Bản thân Mai Anh là đối tượng bị nhiều cơ quan tố tụng khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng được xác định là mắc bệnh tâm thần. Năm 2016, khi đi chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Mai Anh bỏ trốn rồi tổ chức đường dây làm giả tài liệu.

Bị cáo Tăng Văn Tuấn có 3 lần nhận là cán bộ TAND tỉnh Thanh Hóa đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương để thu thập tài liệu, hồ sơ liên quan bệnh án của phạm nhân, giúp các bị cáo Hiếu và Sứng làm giả.

Tài liệu giả sau đó được chuyển tới TAND tỉnh Thanh Hóa, Trại giam Thanh Lâm, Trại giam số 5 để TAND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chữa bệnh bắt buộc với nhiều phạm nhân đang thụ án tù. Trong vụ án, kẻ cầm đầu đường dây làm giả các tài liệu tâm thần là Nguyễn Thị Mai Anh nhưng đối tượng này tiếp tục được xác định bị tâm thần, chỉ phải đi chữa bệnh bắt buộc và được cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Về sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Thị Thu Nga, Công ty Luật TNHH Trường Sơn (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), nêu quan điểm pháp luật nước ta đặc biệt là pháp luật hình sự, luôn đặt ra các chế định nghiêm khắc với các loại tội phạm, nhằm mang tính răn đe, xử phạt thích đáng với người phạm tội. Tuy nhiên trong việc áp dụng luật, Nhà nước vẫn duy trì tinh thần nhân đạo trong một số tình huống đặc biệt, đó là miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với người có bệnh tâm thần. Lợi dụng kẽ hở này, đã có không ít các trường hợp thực hiện hành vi phạm tội và sau đó sử dụng bệnh án tâm thần giả hòng thoát tội.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan trong sự việc trên, việc làm giả bệnh án giả chứng nhận bệnh tâm thần nhằm mục đích không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để buộc đi chữa bệnh.

Cụ thể, theo Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tiếp đó, Điều 51 BLHS quy định các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Khi đối tượng vi phạm pháp luật có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định tình trạng của bị can, bị cáo để có căn cứ kết luận (căn cứ Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Nếu bị can, bị cáo được kết luận mắc bệnh tâm thần, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Hình sự. Sau khi tình trạng sức khỏe phục hồi bình thường, vụ án sẽ được phục hồi điều tra xử lý theo thủ tục tố tụng chung. Nếu bị tuyên án thì người đó có thể được tòa án áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Nhằm hợp thức hóa “bệnh án tâm thần”, người phạm tội đã “mua” kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền giám định để cho mình bị tâm thần, qua đó không phải chịu trách nhiệm hình sự, mà chỉ buộc phải đi chữa bệnh tại cơ sở điều trị chuyên khoa. Sau một thời gian điều trị, họ “bỗng dưng hết bệnh” và trở về nhà sống bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Luật gia Lê Thị Thu Nga, Công ty Luật TNHH Trường Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Theo luật gia Lê Thị Thu Nga, việc làm giả bệnh án tâm thần sẽ tiếp tay cho những người phạm tội thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, đối với người tổ chức làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần

* Trường hợp người làm giả là những cá nhân không được phân công công việc đó, thì sẽ xác định họ không có chức vụ, quyền hạn đối với việc làm giả. Do đó, sẽ không bị định danh đối với nhóm về chức vụ, mà có thể xem xét theo Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù với mức án cao nhất là 07 năm; bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

* Trường hợp hồ sơ do giám định viên, bác sỹ được phân loại kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao. Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án, thì việc làm giả của họ của dấu hiệu của Tội nhận hối lộ. Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự, người nhận hối lộ có thể bị phạt tù với mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

* Trường hợp người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sự thật thì người này có dấu hiệu của Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối. Họ có thể bị phạt tù với mức án cao nhất là 07 năm; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, theo Điều 382 Bộ luật Hình sự.

* Trường hợp người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, làm và cấp giấy tờ giả… thì có dấu hiệu của Tội giả mạo trong công tác. Theo Điều 359 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 20 năm; bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.

* Trường hợp tổ chức có người làm giả giấy tờ bệnh án tâm thần thì trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý trong việc chỉ đạo, điều hành khi để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên là rất lớn. Ngoài các hình thức kỷ luật mang tính nội bộ được quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như khiển trách, cảnh cáo… nếu có đủ căn cứ thì có thể bị truy tố hình sự.

 Một bệnh án tâm thần (Ảnh minh họa)

Đối với người sử dụng bệnh án giả chứng nhận tâm thần

* Người sử dụng hồ sơ giả để trốn tránh việc bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật, thì có dấu hiệu phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù với mức án cao nhất là 07 năm; bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

* Người đưa tiền có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù mới mức án cao nhất đến 20 năm tù tùy theo tính chất và mức độ của hành vi phạm tội.

Đối với vụ án có người làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần

Đối với các vụ án sử dụng bệnh án giả chứng nhận tâm thần đã có Bản án, quyết định của Tòa án Nhân dân thì vụ án có thể xét xử lại theo thủ tục Giám đốc thẩm (Điều 371 Bộ luật Tố tụng Hình sự) hoặc thủ tục Tái thẩm (Điều 398 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Nếu Tòa án đã ra bản án, quyết định dựa trên cơ sở hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả này thì sẽ được xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm. Nếu vụ án đang ở giai đoạn thuộc Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra thì phải xem xét, giải quyết lại những quyết định trong những giai đoạn này.

Đối với cán bộ Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an cố tình vi phạm pháp luật

Cán bộ Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an là chủ thể đặc biệt và khi họ có những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng thì có dấu hiệu phạm tội các tội xâm phạm hoạt động tư pháp sau:

* Tội ra quyết định trái pháp luật theo quy định tại Điều 371 Bộ luật Hình sự thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù lên đến 12 năm hoặc còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

* Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự thì có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật gia Lê Thị Thu Nga cũng nhận định việc làm giả giấy tờ trên thực tế diễn ra rất phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi, không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác cho xã hội. Do vậy, hệ thống các văn bản pháp luật cần có những quy định chi tiết hơn về xác định được người có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình khi thực hiện hành vi phạm tội hay không?./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN