Làm gì để cứu Phố Sách Hà Nội?
(ĐCSVN) - Vì sao Đường Sách Nguyễn Văn Bình T.P Hồ Chí Minh luôn “nóng”, hấp dẫn mọi người, còn Phố Sách Hà Nội lại “nguội”, ít người đến?
Đường Sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, T.P Hồ Chí Minh khai trương ngày 9/1/2016 đến nay vừa tròn hai tuổi. Để đánh giá hiệu quả có thể thấy qua các con số cụ thể: kết thúc năm 2017, doanh thu của các đơn vị có gian hàng tại đây đạt gần 50 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2016 (26,4 tỷ đồng).
Để có được doanh thu đáng nể ấy, năm qua, có khoảng 2,4 triệu lượt người đến Đường Sách; trong đó, số lượt khách trung bình vào các ngày thường là 5.000 - 6.000 người. Vào cuối tuần, con số này tăng lên đến 10.000 người…
Sau những thành công tích cực của Đường Sách Nguyễn Văn Bình, TP. Hồ Chí Minh, dự định xây dựng mỗi quận, huyện có ít nhất một đường sách, trước mắt khoảng 2 đến 3 quận, huyện sẽ có một đường sách.
Đi sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng cải tạo con phố 19-12 ở quận Hoàn Kiếm thành Phố Sách, khai trương vào ngày 1/5/2017 được thiết kế đẹp mắt, yên tĩnh, với nhiều nhà xuất bản tham gia. Đến đây, người dân hy vọng có thể dễ dàng chọn sách để đọc, có không gian công cộng để đọc sách, có quán cà phê đẹp để nhâm nhi…
Có thể nói, Phố Sách được kỳ vọng là một điểm đến văn hóa hấp dẫn của Hà Nội. Tiếc rằng, sau hơn nửa năm, hoạt động tại đây đang có phần trầm lắng dần. Khách đến ngày càng giảm, dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh tại Phố Sách cùng ký bản kiến nghị (có thể ví như sự “cầu cứu”) gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội. Kiến nghị cho biết, trong khoảng ba tháng đầu, tình hình kinh doanh của các gian hàng tại Phố Sách tạm ổn với doanh thu trung bình mỗi gian hàng 125 triệu đồng/tháng. Trong ba tháng tiếp theo, tình hình kinh doanh tại các gian hàng vô cùng ảm đạm, chủ yếu là học sinh, sinh viên đến chụp ảnh. Các sự kiện được tổ chức tại Phố Sách thưa dần, dẫn đến doanh thu giảm mạnh, mỗi gian hàng doanh thu chỉ còn 50 triệu/tháng. Nếu đà này không được cải thiện, Phố Sách sẽ đánh mất vị trí là điểm đến văn hóa.
Vì sao Đường Sách Nguyễn Văn Bình TP. Hồ Chí Minh luôn “nóng”, hấp dẫn mọi người, còn Phố Sách Hà Nội lại “nguội”, ít người đến?
Suy cho cùng, có lẽ do tính chuyên nghiệp, am hiểu lĩnh vực xuất bản và thị trường sách của những người tham mưu, đề xuất, quyết định và điều hành.
Năm 2017, ở Đường Sách Nguyễn Văn Bình có 167 sự kiện giao lưu, giới thiệu tác phẩm cùng 16 triển lãm sách và ảnh được tổ chức tại không gian này, góp phần quảng bá văn hóa đọc. Một số hoạt động văn hóa nổi bật ở Đường Sách Nguyễn Văn Bình diễn ra trong năm 2017: Đường Sách Xuân Đinh Dậu (tháng 1), chào mừng Ngày Sách Việt Nam (tháng 4), sự kiện Những ngày văn học châu Âu (tháng 5), triển lãm "Về chốn thư hiên", "Việt Nam nhìn từ trên cao", "Âm thanh Hội họa"... Ngoài hoạt động mua bán, giới thiệu sách, ban tổ chức Đường Sách còn tổ chức các buổi tọa đàm về vấn đề chống vi phạm bản quyền, tư vấn phối hợp thực hiện các sự kiện văn hóa đọc.
Đường Sách lúc nào cũng “nóng” với các sự kiện văn hóa, còn Phố Sách dường như không có điều kiện để tổ chức những sự kiện đó. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Phố Sách “nguội”...
Hay nói về không gian, vị trí, Đường Sách Nguyễn Văn Bình nằm kế bên Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Sài Gòn, là một quần thể đẹp, xung quanh có nhiều quán cà phê rộng rãi, rất thuận tiện cho giao lưu, trao đổi của những người yêu sách. Còn Phố Sách Hà Nội nằm ở khu vực khá biệt lập với không gian văn hóa, thua xa chợ sách Đinh Liệt, Nguyễn Xí liền kề với hồ Hoàn Kiếm, điểm đến tuyệt đẹp của Thủ đô. Nếu Hà Nội chọn chợ sách này để đầu tư, nâng cấp, hỗ trợ các nhà sách, các nhà xuất bản thì chắc chắn Phố Sách sẽ phát triển mạnh mẽ, khác hẳn không khí hiu hắt hiện nay.
Làm gì để cứu Phố Sách? Có lẽ Hà Nội cần lắng nghe ý kiến từ phía các nhà sách, các nhà xuất bản và dư luận để có những thay đổi mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với đặc thù hoạt động xuất bản. Đã có người “hiến kế” về mô hình quản lý và điều hành phố sách Hà Nội bằng cách thành lập Công ty phố sách Hà Nội là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận. Giám đốc điều hành công ty phải là người có năng lực, am hiểu về ngành sách và tâm huyết với sự phát triển văn hóa đọc, có tầm nhìn, sáng kiến.
Phải cứu lấy Phố Sách, việc này là bổn phận của những người có trách nhiệm, những người quan tâm đến văn hóa Thủ đô!