Lâm Đồng tập trung phát triển nông nghiệp bền vững
(ĐCSVN) - Lâm Đồng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn…
Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 9.783 km2; dân số 1,3 triệu người; là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, diện tích canh tác được duy trì trên khoảng 328.000 ha, diện tích gieo trồng đạt 404.001 ha; có nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá với các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh như: Rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả, macca, bò sữa, thủy sản cá nước lạnh...
Tăng trưởng GRDP toàn ngành của tỉnh Lâm Đồng năm 2023 đạt khoảng 5,47% so với năm 2022; trong đó, nông nghiệp tăng 5,5% (trồng trọt tăng 5,6%; chăn nuôi tăng 4,9%; dịch vụ tăng 3,5%); lâm nghiệp tăng 2,7%; thủy sản 6,5%. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: Trồng trọt 84,3%, chăn nuôi 13,7%, dịch vụ 2%. Tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt 12,1%; giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 268 triệu đồng/ha/năm.
Ứng dụng công nghệ tưới nước, bón phân tự động tạo nên vườn rau năng suất, chất lượng. (Ảnh: baolamdong.vn) |
Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 68.857 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tương ứng 20,4% diện tích canh tác; trong đó, có trên 47.500 ha tưới tiết kiệm, 180 ha nhà kính nhập khẩu thông minh, 1.000 ha sản xuất rau hoa trên giá thể, 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất trên 73 triệu cây giống cấy mô các loại, trong đó xuất khẩu trên 35 triệu cây với kim ngạch trên 9 triệu USD… Đặc biệt, tỉnh đã công nhận được 08 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 15 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 2.412 ha và 01 vùng chăn nuôi quy mô 13.850 con.
Hiện nay, nông nghiệp thông minh có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng. Toàn tỉnh có 665 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số (275 ha hoa; 272 ha rau; 80,5 ha cây ăn quả, 15,5 ha dâu tây, 10 ha chè chất lượng cao và 12 ha cà phê). Hiệu quả của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã góp phần đưa doanh thu bình quân sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt bình quân 268 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ IoT đạt trên 02 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3 - 5 tỷ đồng/ha/năm.
Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ được xác định là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp nhằm tạo ra thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường. Đến hết năm 2023, tổng diện tích sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 1.579 ha (140 ha cỏ phục vụ chăn nuôi). Trong chăn nuôi, có 1.045 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ với sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa (huyện Đơn Dương) và 955 con bò sữa đang trong giai đoạn chuyển đổi hữu cơ.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt. (Ảnh: baolamdong.vn) |
Bên cạnh những cơ hội để tiếp tục phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng theo đúng định hướng, mục tiêu và kỳ vọng đã đề ra, thì dự báo ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức như: Biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày càng phát triển; đa số các hộ nông dân Đà Lạt trồng rau hoa bằng nguồn giống được nhân giống từ các vườn ươm, không có bản quyền; cơ sở vật chất của các cơ sở chưa được đầu tư, đồng bộ, hiện đại; hầu hết các cơ sở chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, không gian cách cách ly giữa phòng cấy và phòng nuôi cây mô; công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế...
Theo định hướng phát triển đến năm 2030 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng, đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là khu vực kinh tế động lực của Tiểu vùng Nam Tây Nguyên trên cơ sở liên kết vùng, nội vùng. Đồng thời, đến năm 2030, kinh tế nông nghiệp của Lâm Đồng được phát triển với hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Song song đó, đến năm 2030, Lâm Đồng cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao tầm quốc gia và quốc tế.
Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng định hướng tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như cây rau, hoa, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu; lựa chọn mức độ ứng dụng công nghệ phù hợp đối với từng vùng sản xuất, từng đối tượng cây trồng; đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp, nông thôn; đồng bộ, toàn diện trong các hoạt động sản xuất, mở rộng phạm vi ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản nông sản; kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, phát triển các cơ sở sơ chế chế biến nông sản có quy mô lớn; hình thành, phát triển và nhân rộng các trung tâm sau thu hoạch với trang thiết bị hiện đại đáp ứng các điều kiện về điều kiện an toàn thực phẩm (HACCP, ISO 22000, FSSC hoặc tương đương) đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu trên thế giới. Nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế về nông nghiệp và nông thôn, mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế; đổi mới phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ sang sản xuất liên kết quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật mới và cơ giới trong sản xuất giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích.
Cùng với giải pháp trên, Lâm Đồng cũng quan tâm mở rộng hợp tác, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nghiên cứu, chuyển giao, đầu tư, phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi; tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương như các loại dược liệu, hồng, dâu tây, hoa trang trí để phục vụ nhu cầu trong nước gắn với phát triển du lịch.
Cũng trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển thêm ít nhất 25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; hình thành ít nhất 20 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiên thụ sản phẩm. Gắn với đó, Lâm Đồng cũng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp thông minh trên cơ sở phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững hiệu quả; phát triển đồng bộ hệ thống buôn, bán lẻ, hệ thống logistics. Đồng thời, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong khu vực và một số thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…/.