Lâm Đồng: Tập trung đối phó với hạn hán
(ĐCSVN) – Mặc dù không khốc liệt như một số tỉnh Tây Nguyên khác, song nạn hạn hán tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn. Trong đó, các huyện phía Nam của tỉnh hiện mực nước tại nhiều sống, suối, ao hồ… đã bắt đầu cạn kiệt, nhiều nơi người dân không còn nước để sử dụng.
Hơn 40.000 ha đất sản xuất và 6.690 hộ dân bị thiếu nước
Cũng như nhiều tỉnh Tây Nguyên khác, Lâm Đồng có lợi thế và tiềm năng để phát triển cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, điều, dâu tằm… Tuy nhiên, nói đến Lâm Đồng, nhiều người cũng hình dung ngay đây còn là thủ phủ của hoa và rau xanh các loại. Ngoài ra, tại nhiều địa phương trong tỉnh còn trồng lúa nước, các cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, đỗ tương...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 300.000ha đất canh tác nông nghiệp với hệ số canh tác đạt 1,19 lần/năm với các đối tượng cây trồng chủ lực gồm: cà phê 152.000ha, chè 23.500ha, rau 52.200ha, hoa 7.000ha. Bên cạnh đó còn có một số đối tượng cây trồng khác như lúa, điều, cao su, dâu tằm…; trong đó có 43.084ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao (chiếm 15,9% diện tích đất canh tác).
Tuy nhiên, với vụ mùa sản xuất năm 2016 này (tính đến 3/2016), toàn tỉnh đã gieo trồng, xuống giống được 33.428ha cây hằng năm các loại, tăng 1,94% (636ha) so với cùng kỳ. Trong đó, lúa 10.262ha (bằng 98,76% so với cùng kỳ), ngô 2.129ha (bằng 101,7% so với cùng kỳ), rau các loại 16.145ha (bằng 102,52% so với cùng kỳ), hoa các loại 1.872,3ha (bằng 105,11% so với cùng kỳ).
Thế nhưng, từ những tháng cuối năm 2015 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino đã dẫn đến hạn hán trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 426 công trình thủy lợi và 1.191km kênh mương tưới các cấp, phục vụ tưới cho 138.000ha/236.000ha diện tích cần tưới (trong đó có 56.340ha diện tích gieo trồng được tưới từ các công trình thủy lợi). Cùng với đó, nhiều hệ thống ao, hồ, sông, suối, đập thủy điện…. mặc dù đã được ngành chủ quản và địa phương quan tâm tích nước từ mùa mưa năm trước, song với thời gian nắng hạn kéo dài vừa qua đã làm cho mực nước các hồ, đập, sông, suối… bị cạn dần và đang ở dưới mực nước dâng bình thường, có nguy cơ khô cạn trong thời gian tới nếu vẫn không có mưa.
Theo ông Nguyễn Văn Huề, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra ngành chức năng của tỉnh xác định diện tích có thể xẩy ra hạn hán vào cuối 4/2016 tại Lâm Đồng khoảng 40.300ha (chiếm 13,43% tổng diện tích đất canh tác toàn tỉnh). Trong đó lúa là 2.440ha (nhiều nhất là huyện Đạ Tẻh 1.440ha và huyện Cát Tiên 890ha); rau là 1.557ha (nhiều nhất là huyện Đơn Dương 682ha và TP.Đà Lạt 520ha); cây công nghiệp là 36.301ha (nhiều nhất là huyện Di Linh 10.880ha và huyện Bảo Lâm 9.634ha).
Cũng theo ông Huề, hiện ở Lâm Đồng đã xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ tại một số địa phương như Đam Rông, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Di Linh… với diện tích gần 1.000ha; nguy cơ cháy rừng đang ở mức 5 (mức cực kỳ nguy hiểm) trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới nắng nóng vẫn kéo dài thì nguy cơ hạn hán sẽ mở rộng trên diện tích khoảng 13.450ha.
Cụ thể, huyện Đơn Dương thiếu nước khoảng 900ha (cây công nghiệp 200ha, cây rau màu 700ha); huyện Lạc Dương thiếu nước khoảng 600ha (400ha cà phê, 200ha rau, hoa); huyện Đức Trọng thiếu khoảng 3.700ha (chủ yếu cà phê, rau, lúa); huyện Lâm Hà thiếu nước khoảng 4.000ha cà phê; huyện Đam Rông thiếu nước khoảng 3.000ha (chủ yếu cà phê và lúa); TP.Đà Lạt thiếu nước khoảng 1.250ha rau và hoa.
Ngoài ra, tại các huyện, thành phố như Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, dự kiến nguy cơ hạn hán kéo dài tới đây sẽ ảnh hưởng cho khoảng 23.734ha diện tích trồng trọt trên địa bàn. Cụ thể, huyện Di Linh thiếu nước khoảng 11.000ha (chủ yếu cà phê và 50ha lúa); huyện Bảo Lâm thiếu nước khoảng gần 10.000ha cây trồng (6.517ha chè, 3.117ha cà phê); TP.Bảo Lộc thiếu nước khoảng 3.100 ha cây công nghiệp.
Nhiều cánh đồng tại Lâm Đồng ngừng sản xuất hoặc chưa thể sản xuất do không đảm bảo nguồn nước.
Đối với các huyện còn lại như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, dự kiến trong thời gian tới nắng nóng kéo dài sẽ gây nguy cơ hạn hán cho khoảng 2.415ha cây trồng. Trong đó huyện Đạ Huoai thiếu nước khoảng 345ha (chủ yếu cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái); huyện Đạ Tẻh thiếu nước khoảng 1.170ha (chủ yếu khu vực có các công trình thủy lợi nhỏ với 750ha và diện tích hạn hán ngoài công trình thủy lợi là 600ha); huyện Cát Tiên thiếu nước khoảng 900ha lúa.
Trong khi đó, mực nước ngầm và nước mặt tại các sông, suối đang tiếp tục xuống thấp nên nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt nông thôn (giếng đào, giếng khoan, hệ thống nước tự chảy) tại Lâm Đồng hiện không đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời nên đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại nhiều địa phương với tổng số hộ thiếu nước là 1.086 hộ. Dự báo thời gian tới nếu không có mưa, Lâm Đồng sẽ có khoảng 6.690 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Thực hiện nhiều giải pháp chống hạn
Trước tình hình hạn hán đang diễn ra ngày càng gay gắt, các địa phương tại Lâm Đồng đang tập trung nhiều giải pháp để chống hạn; bao gồm các giải pháp trước mắt và lâu dài; cả biện pháp phi công trình và công trình…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huề, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, giải pháp ưu tiên vẫn là tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm; thực hiện tốt các phương pháp tưới nước tiết kiệm công nghệ tiên tiến như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa… Đặc biệt, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh có kế hoạch, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi thời vụ, sử dụng các loại giống cây trồng thích hợp, chịu hạn cao để trồng.
Một trong các giải pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt trong dân tại Lâm Đồng thời gian tới là vận động nhân dân chia sẻ nguồn nước.
“Trước mắt, các địa phương huy động các nguồn lực trong dân tiến hành khai thông luồng lạch, kênh mương nội đồng; hướng dẫn người dân có biện pháp tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; quản lý chặt chẽ, điều tiết hợp lý nguồn nước; phối hợp với các công ty thủy điện dọc sông Đồng Nai và Công ty Thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi vận hành xả nước hợp lý để đảm bảo nguồn nước tưới cho hạ du”- ông Huề cho biết và thông tin thêm: với khu vực không có công trình thủy lợi, tỉnh chỉ đạo chuyển giống cơ cấu cây trồng từ lúa sang những cây trồng ít dùng nước; khi xảy ra hạn hán sẽ ưu tiên nước sinh hoạt, sau đó là nước cho gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao; huy động nhân dân sử dụng máy bơm gia đình bơm nước các sông, hồ để phục vụ chống hạn và đào giếng, hồ, ao nhỏ để cấp nước. Đối với các công trình nước sinh hoạt, tập trung sửa chữa các hư hỏng để đảm bảo vận hành; nạo vét, khơi thông dòng chảy đầu nguồn các công trình nước tự chảy và nạo vét giếng đào của dân để cung cấp nước"- ông Huề cho biết.
Về lâu dài, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn như Đông Thanh, Ka Zam, Ta Hoét, Hiệp Thuận, Đạ Sị. Vận động nhân dân hỗ trợ, chia sẻ nguồn nước gắn với kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi trên địa bàn bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức đối tác công- tư (PPP); vận hành quy trình điều tiết hồ chứa và liên hồ trong mùa khô chặt chẽ, đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp với hạn hán sử dụng ít nước gắn với áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao hồ nhỏ.
“Ngoài các giải pháp trên, hiện Lâm Đồng đang đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn; đồng thời đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn năm 2016 cho tỉnh với tổng kinh phí trên 121 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ khẩn cấp 51,9 tỷ đồng để nạo vét cấp bách một số công trình, kênh mương phục vụ chống hạn) và cấp gạo cứu đói giáp hạt cho nhân dân vùng hạn”- ông Huề cho biết thêm./.
Bài, ảnh: Đình Tăng