Làm chủ công nghệ, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai
(ĐCSVN) – Tiếp tục nâng cao công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) sẽ tiến hành hiện đại toàn diện, đồng bộ từ khâu quan trắc, đo đạc, lưu trữ, xử lý số liệu đến xây dựng, hoàn thiện công nghệ dự báo hiện đại để làm chủ công nghệ, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV.
(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Nhân ngày Khí tượng thế giới 23/3/2021, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có những chia sẻ với phóng viên về ý nghĩa của ngày này và những hoạt động của ngành trong thời gian qua.
Phóng viên (PV): Năm 2021, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã lựa chọn chủ đề ngày Khí tượng Thế giới năm 2021 là “Đại dương, khí hậu và thời tiết của chúng ta”. Xin ông cho biết ý nghĩa và kế hoạch tổ chức ngày Khí tượng thế giới năm nay?
GS. TS Trần Hồng Thái: Như chúng ta đã biết, đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất và đây là nhân tố chính của sự thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới và đóng một vai trò trung tâm trong biến đổi khí hậu. Đại dương cũng là nhân tổ chính của nền kinh tế toàn cầu. Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2021: “Đại dương và khí hậu, thời tiết của chúng ta”, WMO muốn nhấn mạnh việc kết nối đại dương, thời tiết và khí hậu trong hệ thống trái đất.
Đồng thời, nó cũng đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (2021-2030). Thập kỷ khuyến khích nỗ lực thu thập khoa học đại dương - thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi - làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Sau khi nhận được chủ đề ngày Khí tượng thế giới năm 2021 do WMO lựa chọn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) và các đơn vị liên quan đã lên kế hoạch cụ thể tổ chức ngày Khí tượng thế giới năm 2021.Theo đó, Ngày Khí tượng thế giới 23/3 sẽ được tổ chức phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Lễ Kỷ niệm sẽ được tổ chức trực tuyến trên hệ thống trực tuyến tại các điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ, Tổng cục KTTV và các điểm cầu tại các địa phương.
Đặc biệt, các hoạt động kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới sẽ được tổ chức song song với lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới, Lễ trồng cây hưởng ứng Chương trình Một tỷ cây xanh. Thông qua Lễ Kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới sẽ khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm của ngành KTTV trong việc chủ động giám sát thời tiết khí hậu, dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời về các loại hình thiên tai, kích hoạt sớm hệ thống phòng, chống thiên tai.
Đặc biệt, lễ kỷ niệm sẽ gắn kết Ngày Khí tượng thế giới 2021 với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước thông qua việc hưởng ứng Chỉ thị 45 ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021” và Chương trình trồng mới “Một tỷ cây xanh” giai đoạn 2021-2025.
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV. (Ảnh: TL) |
PV: Hưởng ứng ngày này, thời gian vừa qua ngành Khí tượng Việt Nam đã có những đổi mới gì, đặc biệt là đổi mới về công nghệ để đưa ngành hoạt động hiệu quả ?
GS.TS Trần Hồng Thái: Hệ thống thông tin KTTV hiện nay đã được đầu tư hiện đại và khá đồng bộ, từ hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành; hệ thống kênh thông tin quốc tế; hệ thống mạng riêng luôn đảm bảo sự hoạt động ổn định, thông suốt trong mọi tình huống, nhất là trong khi có tình hình thời tiết nguy hiểm, phục vụ tốt yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo bão, lũ cũng như truyền tin kịp thời tới các bộ, ngành, địa phương.
Đến nay, lĩnh vực KTTV đã có một mạng lưới quan trắc KTTV liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xã hội hóa và trở thành mạng lưới nền cho mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường.
Hiện nay, ngành KTTV đã có: 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 782 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm, điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng ô zôn - bức xạ cực tím và 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét.
Có thể khẳng định, ngành Khí tượng thuỷ văn Việt Nam đã từng bước hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ dự báo số trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm như: Với việc triển khai một cách đồng bộ từ việc nâng cấp tính toán (hệ thống siêu máy tính CrayXC40) cùng việc đan dầy, đa dạng hóa công nghệ quan trắc đã bước đầu cho phép thử nghiệm công nghệ đồng hóa số liệu song song với công nghệ mô hình dự báo số chi tiết, phân giải cao vào trong nghiệp vụ dự báo thời tiết.
Ví dụ như đợt mưa lớn tại tỉnh Hà Giang xảy ra trong tháng 7/2020 với lượng mưa đo được ở một số điểm đạt từ 300 đến 400mm trong chưa đầy 6 tiếng. Đây là hiện tượng cực trị liên quan đến các quá trình đối lưu sâu, cục bộ đã phần nào được dự báo trước từ hệ thống công nghệ mới mà các hệ thống mô hình toàn cầu hiện nay đều không thể nắm bắt được.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay ngành Khí tượng nước ta có gặp phải khó khăn, thử thách nào không, thưa ông?
GS.TS Trần Hồng Thái: Có thể khẳng định, đối với việc dự báo bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nguyên nhân khách quan lớn nhất là chúng ta không có nhiều thông tin giám sát, quan trắc trên vùng biển, việc xác định cường độ bão duy nhất thông qua hệ thống vệ tinh khí tượng; việc thiếu hệ thống giám sát trên biển dẫn đến việc đánh giá cường độ thực của cơn bão có sai số lớn, dẫn đến việc dự báo, cảnh báo có sai số tiếp theo.
Đối với lũ quét, sạt lở đất do vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Các thông tin số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có. Các thông tin về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất... không có đủ độ chi tiết và không được cập nhật thực tế.
Cùng với đó, sự tác động của con người trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê nghiên cứu đầy đủ. Bên cạnh đó, lũ quét thường xảy ra ở quy mô nhỏ, liên tiếp, mang tính địa phương… Vì vậy, chỉ cảnh báo ở cấp trung ương là không thể đảm bảo kịp thời cho hoạt động phòng chống lũ quét, sạt lở đất nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương.
Nhận thức được những hạn chế, tồn tại của ngành KTTV, trong thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ tiến hành hiện đại toàn diện, đồng bộ từ khâu quan trắc, đo đạc, lưu trữ, xử lý số liệu đến xây dựng, hoàn thiện công nghệ dự báo hiện đại, đào tạo cán bộ chất lượng cao và tăng cường hợp tác quốc tế sâu, rộng để làm chủ công nghệ, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV
PV: Thời gian tới, ngành Khí tượng Việt Nam sẽ có giải pháp nào để khắc phục những vấn đề trên, thưa ông?
GS.TS Trần Hồng Thái: Trong thời gian tới, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về KTTV nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực KTTV; cảnh báo, dự báo sát, kịp thời mọi diễn biến các hiện tượng thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình hiện đại hóa ngành KTTV; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước và các tổ chức thế giới và khu vực, mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Italia, Mỹ, cơ quan Khí tượng Anh, Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu... nhằm khai thác và phát huy tiềm năng công nghệ, kỹ thuật hiện có, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng có hiệu quả vào nghiệp vụ dự báo và quan trắc KTTV.
Đặc biệt, toàn ngành sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền về KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm và cách phòng tránh như: bão, ATNĐ, lũ lớn, lũ quét, dông... nhằm nâng cao hiểu biết của người dân để chủ động phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
PV: Xin cảm ơn ông!