Lai Châu: Xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh
(ĐCSVN) – Xác định hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu là một trong những nguyên nhân tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; một số phong tục truyền thống tốt đẹp bị lợi dụng, biến tướng gây ra tác động tiêu cực và để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống của nhân dân các dân tộc, Tỉnh ủy Lai Châu đã xây dựng một nghị quyết với quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Sự ảnh hưởng của hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu
Lai Châu là tỉnh vùng cao Tây Bắc, dân số gần 500 nghìn người với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh có lịch sử lâu đời, sống quần tụ theo thôn bản, dòng họ, sống chủ yếu ở nông thôn (82,33% dân số) và dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá, truyền thống từ ngôn ngữ, trang phục, tập quán sinh sống, sản xuất… tạo nên những giá trị, bản sắc riêng và hình thành những văn hoá dân tộc đa sắc màu của Lai Châu, trong đó có những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy.
Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc anh em với những nét văn hoá, truyền thống từ ngôn ngữ, trang phục, tập quán sinh sống, sản xuất… tạo nên những giá trị, bản sắc riêng. |
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; một số phong tục truyền thống tốt đẹp bị lợi dụng, biến tướng gây ra tác động tiêu cực và để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống của nhân dân các dân tộc. Thực tế, trong một số đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Có thể kể đến trong việc cưới có tục thách cưới cao; tục nhà trai phải chịu trách nhiệm về kinh phí tổ chức đám cưới; tục tổ chức lễ cưới nhiều lần (3 lần gồm khi mới lấy nhau, khi trung niên và về già); tổ chức cưới dài ngày; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Nhà anh P dân tộc Mảng ở bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn cho biết, năm nay gia đình anh tổ chức cưới vợ cho con. Anh đang lo lắng bởi điều kiện kinh tế gia đình khá hạn hẹp nhưng theo phong tục, gia đình anh phải lo lễ vật và tiền làm đám cưới cho bên nhà gái, tất cả là một khoản tiền không nhỏ. “Có lẽ, đám cưới tổ chức xong các cháu (cô dâu chú rể) phải đi làm thuê mà lấy tiền trả nợ, chứ gia đình chúng tôi cũng không biết trông vào đâu” – Anh P thở dài chia sẻ.
Bên cạnh đó, nạn tảo hôn vẫn diễn ra khá phổ biến, tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2022 là 517 cặp; năm 2023 là 500 cặp. Hôn nhân cận huyết thống giảm nhiều nhưng chưa triệt để (năm 2022 có 01 cặp, chiếm 0,036% tổng số cặp kết hôn toàn tỉnh; năm 2023 có 01 cặp, chiếm 0,031% tổng số cặp kết hôn toàn tỉnh).
Theo tổng hợp số liệu báo cáo từ các địa phương của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu, trong việc tang, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, đặc biệt trong các dân tộc thiểu số như: tổ chức tang ma kéo dài (3 – 4 ngày), có dân tộc khi tổ chức đám tang phải mổ 46 đầu con vật gồm: trâu, lợn, chó, gà…, ăn uống linh đình, hay tục mở nắp áo quan khi đã hạ huyệt,... vừa gây tốn kém, ảnh hưởng sức khoẻ cho tang gia, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc hỏa táng bằng củi vẫn còn tồn tại ở một số ít dòng họ (Vàng, Phàn…) thuộc nhóm dân tộc Dao Tẻn ở các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ…, tục lựa chọn địa điểm chôn cất người chết còn tồn tại đa số trong các dân tộc.
Mặc dù các cấp ủy đảng, chính quyền đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, nhưng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại. Ảnh: LC |
Ông Pờ Chà Dú, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Can Hồ, huyện Mường Tè cho biết, “Quan niệm của đồng bàoSi La ở Can Hồ là không được chôn phía trước hay phía sau những ngôi mộ cũ, do đó khi chôn cất phải lựa chọn nơi có địa thế rộng, tốt để không bị ảnh hưởng mọi người trong gia đình, dòng họ”. Chính những quan niệm không có cơ sở này là một trong những nguyên nhân khó khăn trong quy hoạch nghĩa trang ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn quan niệm có thể chữa bệnh, giải hạn bằng cách mời Thầy cúng, Thầy Mo cúng bái rườm rà; sinh nhiều con, trọng nam khinh nữ; uống rượu nhiều (Mảng)... ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, sức khỏe cũng như gây lãng phí thời gian, gây tốn kém, dẫn đến đói nghèo dai dẳng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định do ở một số cấp ủy, địa phương công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu gắn với xây dựng nếp sống văn minh vẫn chưa thực sự được chú trọng khiến người dân chưa nhận thức rõ và chưa xác định được cụ thể giữa phong tục, tập quán tốt đẹp và hủ tục lạc hậu. Nguồn lực dành cho công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu còn hạn chế, chưa có một chiến lược dài hơi cho nội dung này. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư có nơi còn hình thức. Ngoài ra, không thể không kể tới việc cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt, sâu sát và thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chưa kịp thời rà soát, xác định các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.
Đồng chí Lò Văn Cương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu cho biết, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong nhân dân, đặc biệt trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền để bà con nắm được những quy định của pháp luật, biết được những hủ tục, xóa bỏ những hủ tục rườm rà, tốn kém thời gian, tiền bạc... từ đó tiến tới hạn chế, loại trừ khỏi đời sống. Tuy nhiên,“những phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ đã tồn tại và in sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay và ảnh hưởng, chi phối đời sống, sinh hoạt; có nội dung bị chi phối bởi các yếu tố tâm linh gây nên tâm lý lo sợ, bất an,… Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí không đồng đều, nhận thức hạn chế, nhiều người dân khó nhận diện và hiểu rõ về hệ lụy, hậu quả và tác động tiêu cực của hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; một số trưởng tộc, trưởng dòng họ không biết chữ, không thông thạo tiếng phổ thông nên khó “đả thông” tư tưởng. Nhiều người dân có tư tưởng không muốn thay đổi các nghi lễ đã trở thành thói quen trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày” – đồng chí Lò Văn Cương nhấn mạnh.
Quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh
Công An tỉnh Lai Châu tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật cho trẻ em tại huyện Tân Uyên. |
Phong tục, tập quán là điều khó thay đổi, nhưng xóa bỏ hủ tục lạc hậu là việc không thể không làm, đặc biệt trong thời đại công nghệ, tri thức đang rất phát triển. Để ngăn ngừa, hạn chế, tiến tới xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tỉnh Lai Châu mới ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030. Nghị quyết xác định đây là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đảm bảo sự thống nhất, quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc; góp phần xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Lai Châu, trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030 cấp tỉnh (BCĐ) được thành lập do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, thành viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Ban Chỉ đạo có quy chế làm việc riêng, có kế hoạch hoạt động và hoàn thành theo từng mốc thời gian, nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo cũng được quy định cụ thể.
Hội thi Dân vận khéo là một trong những hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy Lai Châu |
Để tổ chức thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả, đồng chí Vũ Mạnh Hà, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ cho biết, “Theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, tỉnh sẽ tập trung vào hoạt động tuyên truyền giáo dục; nhận diện, xác định các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để tập trung tuyên truyền, vận động xóa bỏ. Xây dựng nếp sống văn minh, thông qua triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chỉ đạo lựa chọn, xây dựng các mô hình điểm trong thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu gắn với xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới…. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy vai trò làm chủ, ý thức tự giác của người dân”.
Về những công việc cụ thể, đồng chí Lò Văn Cương, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cho biết, “Ngoài việc tổ chức, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực cũng được triển khai như: tổ chức Hội thi Dân vận khéo tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu; chú trọng ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền, tuyên truyền bằng các tiếng dân tộc thiểu số, giáo dục trong các cơ sở giáo dục; xác định hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để thực hiện xóa bỏ; phát động các phong trào thi đua thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Trong quá trình triển khai, tỉnh cũng nghiên cứu kỹ các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu phù hợp với đặc thù của tỉnh, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho để tập huấn, xây dựng tài liệu phục công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục phong tục tập quán lạc hậu; đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện theo từng giai đoạn”.
Hy vọng, với sự quyết tâm, đồng lòng nhất trí của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân, Lai Châu sớm thực hiện được mục tiêu Nghị quyết, xây dựng một xã hội tiên tiến, văn minh, văn hóa, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc góp phần thực hiện mục tiêu “…Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước” như trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra./.