Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lai Châu: Tích cực thực hiện chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 23/06/2022 15:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, Lai Châu tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo tổ chức các chương trình, chính sách thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đảm bảo đúng kế hoạch, đạt hiệu quả.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có vị trí chiến lược quan trọng. Lai Châu có đường biên giới Việt - Trung dài 265,165 km, gồm 02 cửa khẩu: Ma Lù Thàng (Phong Thổ), U Ma Tu Khoòng (Mường Tè) và nhiều lối mở qua lại 2 bên biên giới. Toàn tỉnh có 7 huyện và 1 thành phố với 106 xã, phường, thị trấn (54 xã đặc biệt khó khăn). Dân số trên 47 vạn người, trong đó người DTTS chiếm gần 85%, với 20 dân tộc cùng sinh sống. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo DTTS toàn tỉnh chiếm 31,2%.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2022 và công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 của tỉnh Lai Châu cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao; thời tiết diễn biến thất thường, xảy ra thiên tai làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân nên việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế tiếp tục hồi phục sau đại dịch COVID-19 và đạt được những kết quả quan trọng, một số chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ năm trước.

 Lai Châu tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo tổ chức các chương trình, chính sách thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đảm bảo đúng kế hoạch, đạt hiệu quả. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 9,15%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.606,8 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 893,8 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước đạt gần 343,4 tỷ đồng, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm 15/6/2022 đạt 45,2%, tăng 4,6 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục quan tâm và triển khai có hiệu quả; tình hình vùng đồng bào dân tộc toàn tỉnh tương đối ổn định về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... Các cấp, các ngành tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo tổ chức các chương trình, chính sách thực hiện ở vùng đồng bào DTTS đảm bảo đúng kế hoạch, đạt hiệu quả.

Về công tác chuẩn bị, tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, đến nay Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lai Châu và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thường xuyên tổ chức họp tham gia ý kiến vào các nội dung thực hiện Chương trình MTQG, đến nay về cơ bản các nội dung chính, gồm: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và dự toán ngân sách năm 2022 đã hoàn thiện dự kiến sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong kỳ họp cuối tháng 6/2022 và UBND tỉnh Quyết định phân bổ vốn trước 01/7/2022, đáp ứng tiến độ Trung ương giao.

Ngoài các chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành hàng loạt Nghị quyết; UBND tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, đề án đặc thù liên quan đến nhiều lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến chính sách giáo dục vùng DTTS; phát triển sản phẩm đặc hữu, riêng có, tạo sức cạnh tranh, đảm bảo sinh kế cho người dân; quan tâm phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển…

KV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN