Lai Châu biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi và thành quả
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết, thực hiện phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, năm năm qua, đặc biệt là trong năm 2014 - 2015, tỉnh Lai Châu đã có bước tiến dài, rõ nét và đạt kết quả rất cụ thể.
Vùng chè của thành phố Lai Châu. (Nguồn: laichau.gov.vn)
Năm 2014, toàn tỉnh có hai xã được công nhận đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đến năm 2015 có thêm 13 xã được công nhận, nâng tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới lên 15 xã. Nếu như năm 2010, các xã của tỉnh Lai Châu đạt 2,8% các tiêu chí nông thôn mới thì năm 2015, con số này là 11,2%. Lai Châu nằm trong tốp dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới, chỉ sau Lào Cai. Mới đây, Lai Châu được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và thưởng 30 tỷ đồng do thực hiện hiệu quả phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới.
Là tỉnh mới thành lập, còn khó khăn, đạt được kết quả nổi bật trên là nhờ 3 nguyên nhân khách quan và 5 nguyên nhân chủ quan. Theo đó, về nguyên nhân khách quan, tỉnh Lai Châu có và biết sử dụng ba cái mà các tỉnh khác không có. Thứ nhất, Lai Châu có ba huyện Than Uyên, Tân Uyên và Tam Đường nằm dọc theo quốc lộ 32, với lợi thế về địa lý, đất đai, cơ sở hạ tầng, truyền thống sản xuất hơn hẳn.
Thứ hai, tỉnh Lai Châu có tái định cư các thủy điện, đặc biệt là tái định cư thủy điện Sơn La, kéo dọc theo sông Đà, từ xã Nậm Hăn (huyện biên giới Sìn Hồ) đến xã Mường Tè (huyện biên giới Mường Tè) với khoảng 20 xã. Trong tổng số 15 xã của tỉnh được công nhận đạt nông thôn mới có 4 xã là Pú Đao, Lê Lợi, Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ), xã Mường Tè (huyện Mường Tè) nằm dọc theo sông Đà, nhờ có tái định cư các thủy điện đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng, nếu không có tái định cư các thủy điện trên địa bàn thì không biết bao giờ tỉnh Lai Châu mới có đủ nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại dân cư, tái cơ cấu như vậy. Đây là những điều kiện khách quan rất đặc biệt. Bên cạnh thách thức do tái định cư thì đây cũng là thuận lợi mà lãnh đạo địa phương và đồng bào các dân tộc trong vùng tái định cư đã biết chớp cơ hội để biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi và thành quả nói trên.
Thứ ba, tỉnh Lai Châu có nguồn vốn từ dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh đã triển khai tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến năm 2015, tỉnh Lai Châu có trên 200 tỷ để chi cho bảo vệ, phát triển rừng. Đây là nguồn, là hàng hóa đặc biệt của người dân các dân tộc của tỉnh. Đến năm 2016, nguồn vốn này còn tăng do Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ môi trường rừng tăng và hai thủy điện lớn Lai Châu, Huổi Quảng bắt đầu đi vào phát điện...
Về nguyên nhân chủ quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng cho rằng đây là những bài học mà các địa phương trên địa bàn cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Thứ nhất, từ người lãnh đạo cao nhất đến tập thể lãnh đạo và đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu khao khát đạt bứt phá trong xây dựng nông thôn mới... Qua thực tiễn tại Lai Châu, nơi nào mà lãnh đạo, nhân dân khao khát, quyết tâm thì nơi đó thành công. Thứ hai là phải biết truyền khao khát, quyết tâm đó sang cộng đồng. Thứ ba, đối với mỗi việc, mỗi địa phương cần tìm ra cách làm riêng trên cơ sở nghiên cứu kỹ các quy định, hệ thống cơ chế chính sách chung để vận dụng sáng tạo. Thứ tư, Lai Châu đã huy động hiệu quả nguồn lực trong cộng đồng. Và cuối cùng, trong việc huy động, đóng góp nguồn lực từ cộng đồng, Lai Châu không để xảy ra tình trạng khiếu kiện.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lai Châu phấn đấu có một huyện (thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi năm có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, tỉnh Lai Châu có từ 45 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới.../.
Nguyễn Công Hải/TTXVN