Ký thỏa thuận khung trị giá 1 triệu EUR tài trợ cho hợp tác kỹ thuật với EVN
(ĐCSVN) - Ngày 21/9, tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), nhân chuyến công tác của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tại Châu Âu, đoàn lãnh đạo cấp cao của EVN đã làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tập đoàn Điện lực Pháp (EFD).
Ký thỏa thuận khung trị giá 1 triệu EUR tài trợ cho hợp tác kỹ thuật với EVN (Ảnh: EVN) |
Cùng ngày, AFD và EDF đã ký kết thỏa thuận tài trợ khung trị giá khoảng 1 triệu EUR, theo đó AFD sẽ tài trợ cho EDF, để EDF triển khai các hoạt động hợp tác kỹ thuật với EVN trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng và đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, nhận thấy nhu cầu cấp bách của EVN thực hiện một số hoạt động xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển dịch năng lượng đáp ứng cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nghiên cứu xây dựng đề án đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực về quản trị rủi ro và quản trị sự thay đổi…, với mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) và EVN trong thời gian qua, thể hiện ở 2 Biên bản hợp tác (MOU) đã ký năm 2017 và 2020, AFD đã phê duyệt một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 1 triệu USD để tài trợ cho EDF triển khai các hoạt động hợp tác với EVN trong các lĩnh vực nói trên. Hoạt động hợp tác giữa EVN và EDF sẽ được triển khai trong 15 tháng kể từ cuối năm 2022.
AFD là nhà tài trợ tiên phong và tích cực nhất trong cung cấp vốn vay không bảo lãnh Chính phủ và các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu phát triển cụ thể của EVN trong từng thời điểm. Với tình hình tài chính lành mạnh, kết quả sản xuất kinh doanh tốt, hệ số tín nhiệm BB do Fitch Ratings đánh giá, các khoản vay trực tiếp của AFD cho EVN có các điều kiện vay mang tính cạnh tranh cao so với các khoản vay thương mại. Các hoạt động hợp tác kỹ thuật với AFD mang tính thực tiễn và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực, chuẩn hóa quy trình, quy định..., của EVN.
Hợp tác với AFD đã giúp EVN đa dạng hóa, huy động nguồn tài chính giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu đầu tư của EVN, đặc biệt trong điều kiện việc thu xếp vốn vay ODA theo các quy định hiện hành còn phức tạp và kéo dài.
Sau COP26, với nguồn tài chính dồi dào từ Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), AFD dự kiến sẽ huy động hơn 20 triệu EUR thông qua EU để hỗ trợ EVN trong các dự án năng lượng sạch (ưu tiên cao nhất là Dự án NMTĐ tích năng Bác Ái), các hoạt động hợp tác kỹ thuật đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng và đổi mới sáng tạo của EVN…, đáp ứng các yêu cầu phát triển của EVN trong giai đoạn mới.