Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỳ thi vào Trung học phổ thông: “Cuộc đua” khốc liệt

Thứ Bảy, 13/04/2024 20:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chưa đầy 2 tháng nữa, kỳ thi vào 10 THPT năm học 2024-2025 tại Hà Nội sẽ diễn ra. Dự kiến số học sinh được tuyển vào trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội chỉ chiếm khoảng 60%. Vì vậy, thời điểm này, hầu hết các bậc phụ huynh và các sỹ tử đều “dốc” toàn bộ sức lực, thời gian cho kỳ thi quá vất vả này.

Phụ huynh vất vả chen lấn để chờ đến lượt nộp hồ sơ vào Trường THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) sáng 5/7/2023. 

Nhiều năm qua, cuộc thi vào 10 trường công lập ở Hà Nội đã trở thành kỳ thi căng thẳng bậc nhất, hơn cả thi đại học. Trong đó, đa phần các trường có mức độ cạnh tranh cao chủ yếu đều tập trung ở các quận nội thành. Số liệu 5 năm trở lại đây cho thấy, Trường THPT Chu Văn An đứng đầu cả 3 năm, trung bình luôn trên 8,5 điểm/môn. Các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy... luôn “nóng bỏng” khi mùa thi đến.

Đơn cử như khu vực tuyển sinh 3 gồm các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy có 9 trường. Trong đó 2 trường Kim Liên và Yên Hòa luôn thay nhau giữ vị trí hàng đầu luôn phải đạt trên 8 điểm/môn. Trường có điểm chuẩn thấp nhất trong cả ba năm 2021, 2022 và 2023 trong khu vực này là Trường THPT Khương Hạ. Nói là thấp nhất nhưng mức điểm trung bình đỗ vào trường vẫn phải đạt trên 7 điểm/môn, tức là phải đạt mức khá. Điều đó có nghĩa là những học sinh đạt mức học trung bình khá trở xuống không có “cửa” để bước chân vào.

Trong khi đó, theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải đăng ký vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể đăng ký vào trường THPT thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ trên địa bàn Hà Nội.

Những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh, hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi ở thường trú, được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi, nguyện vọng 3 (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh muốn đổi khu vực tuyển sinh cần phải có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh theo mẫu, trong đơn nêu rõ lý do đổi và được Thủ trưởng đơn vị nơi tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển xác nhận.

Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 và 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2 điểm. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu học sinh trong khu vực tuyển sinh 3 đăng ký Trường THPT Khương Đình như đã nêu trên thì nguyện vọng 3 phải thêm ít nhất 2 điểm nữa.

Vì “cánh cửa” quá hẹp như thế, nên những năm gần đây, hệ thống một số trường dân lập có chất lượng đào tạo tốt luôn có một lượng lớn phụ huynh quan tâm. Thậm chí như năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh đã xếp hàng “xuyên đêm”, thậm chí đạp đổ cả cổng trường để nộp hồ sơ nhập học cho con vẫn không xong. Có phụ huynh bật khóc vì không nộp được hồ sơ cho con dù đến xếp hàng từ 6h sáng mà trường thông báo bắt đầu tuyển sinh từ 7h30. Lí do là vì có quá đông phụ huynh đã “xếp lốt” từ trong đêm.... 

Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2024, khoảng 135.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội tốt nghiệp THCS, (tăng 5.000 em so với năm học trước). Tuy nhiên, theo kế hoạch phân luồng, chỉ khoảng 60% học sinh vào các trường công lập, còn lại các em sẽ học trường tư hoặc trường nghề. Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây tại Hà Nội dự kiến khoảng 81.000 em đỗ vào các trường công lập, còn lại 54.000 em không đỗ, phải theo học trường tư hoặc trường nghề. Điều đó càng cho thấy mức độ “nóng bỏng” mùa thi vào 10 ở Hà Nội. Nhiều gia đình, phụ huynh, học sinh coi cuộc thi cử vào lớp 10 là sự cạnh tranh “khốc liệt". Họ còn đặt vấn đề đó là “cuộc chiến” chứ không phải là “cuộc thi”.

Lí do chính của thực trạng này là do hệ thống trường công trong khu vực nội thành quá ít, số học sinh lại tăng dần qua các năm do tốc độ đô thị hóa nhanh và áp lực về thiếu trường công lập cũng sẽ ngày càng tăng. Cũng vì thế mà nhiều phụ huynh cho rằng việc con em mình trượt kỳ thi này vào trường công là “không công bằng”, thậm chí là “câu chuyện tức tưởi”. Vì tâm lý phụ huynh so sánh với khu vực ngoại thành và hầu như không muốn con phân luồng học nghề từ hết cấp 2.

Đó là chưa nói đến không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con vào học trường tư với mức chi phí cao gấp nhiều lần trường công. Và còn một nghịch lý nữa là những trường tư chất lượng tốt thì điểm chuẩn cũng cao không kém gì các trường THPT công lập. Các trường mới thành lập, chưa có nhiều kinh nghiệm, đội ngũ giáo viên chắp vá thì học phí cao... Trong khi đó, phụ huynh cũng không thể để con em mình nghỉ học vì với tuổi đó thì biết làm gì?

Nhưng để giải “bài toán” này là không hề dễ dàng, thậm chí là bài toán khó. Nếu chỉ giải quyết bằng cách tăng lớp, tăng sĩ số học sinh mà Hà Nội đã từng thực hiện, thì chỉ là giải pháp ngắn hạn, tình thế trước mắt. Về lâu dài, Hà Nội nói riêng, các thành phố lớn nói chung việc quy hoạch phát triển các khu đô thị phải đồng bộ với các dịch vụ về giáo dục, y tế, không gian chung... để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Còn về câu chuyện phân luồng, đây là một chủ trương đúng. Nhưng thực tế nếu để đạt chỉ tiêu phân luồng vào các trường nghề mà dùng hình thức thu hẹp cánh cửa vào các trường phổ thông công lập, “ép” học sinh chọn trường nghề sẽ không hiệu quả; thậm chí còn ảnh hưởng tới quyền được học hết bậc phổ thông của các em - Điều này cũng đã được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đề cập.

Do đó, về lâu dài, mặc dù là rất khó khăn, gian nan nhưng chính quyền các địa phương cần có các giải pháp khả thi để xây thêm trường THPT công lập tại những khu vực đông dân cư, khó mấy cũng phải làm và sẽ làm được nếu có sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị.../.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN