Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Thứ Tư, 17/04/2024 11:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm, nhưng đồng chí đã để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.

 Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” tái hiện những dấu mốc quan trọng trong suốt cuộc đời hy sinh, cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú.

Sáng 17/4, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (01/5/1904 - 01/5/2024), nhà lãnh đạo trẻ tuổi, đầy tài năng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, một số tỉnh, thành phố và tỉnh Khăm–Muộn (nước CHDCND Lào), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các chức sắc tôn giáo; nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, các nhà khoa học; thân nhân gia đình, dòng họ đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú; lãnh đạo xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các đại biểu tham dự buổi Lễ.

Diễn văn của đồng chí Hoàng Trung Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh tại Lễ kỷ niệm đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, nhà lãnh đạo trẻ tuổi, đầy tài năng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Trần Phú, sinh ngày 01/5/1904, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Tĩnh - Phú Yên nằm trên dải đất miền Trung, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng; cùng với truyền thống gia đình đã dưỡng dục nên một người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.

Mùa hè năm Nhâm Tuất 1922, đồng chí Trần Phú thi đậu thủ khoa kỳ thi Thành chung Trường Quốc học Huế. Để nối nghiệp gia đình, đồng chí Trần Phú đã khước từ chốn quan trường, vào làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Với kiến thức uyên thâm, tình thương và đức độ, thầy Trần Phú đã tổ chức rất nhiều lớp học quốc ngữ, góp công đào tạo được nhiều học trò học giỏi, yêu nước. Cũng trong thời gian này, đồng chí Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt, lãnh đạo phong trào đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Cụ Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu cho Cụ Phan Chu Trinh.

Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú khi được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn - nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động nhưng do bị mật thám Pháp truy lùng ráo riết, đồng chí phải quay lại Quảng Châu, làm việc tại Tổng bộ Thanh niên.

Các đại biểu tham dự buổi lễ. 

Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva. Nhờ kết quả học tập tốt, đồng chí được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại Trường. Tốt nghiệp Đại học Phương Đông loại xuất sắc, tháng 11/1929, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương Chính trị.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị. Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng. Cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng xuất bản Báo Cờ Vô sản - cơ quan ngôn luận của Đảng; Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận của Đảng; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng của kẻ thù.

Được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Ban Thường vụ Trung ương và đồng chí Trần Phú, khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên tăng nhanh. Tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Mỹ Tho, Bến Tre,…đã liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình, bãi công của công nhân, nông dân, tạo ra cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh.

Tháng 3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Hai được tổ chức tại Sài Gòn dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã đề ra các chủ trương, nhiệm vụ cách mạng trước yêu cầu mới. Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Tại bốt Ca-ti-na, kẻ thù hèn hạ cắt gân bàn chân, dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng đồng chí Trần Phú vẫn kiên quyết không khai báo. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới bước vào tuổi 27 - độ tuổi đầy nhiệt huyết, tài năng.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định: Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm, nhưng đồng chí đã để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.

Luận cương Chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư là những văn kiện vô giá, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam; kết quả của sự nỗ lực tìm tòi, vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản.

Diễn văn của đồng chí Hoàng Trung Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh tại Lễ kỷ niệm đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, nhà lãnh đạo trẻ tuổi, đầy tài năng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. 

Noi gương đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và các lãnh tụ cách mạng tiền bối, quân và dân ta đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, vùng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đánh bại thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng lên. Đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Kế tục truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, Nhân dân Hà Tĩnh đã giành kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, đến nay nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm khá của cả nước: quy mô nền kinh tế xếp thứ 30; thu ngân sách xếp thứ 18 cả nước; toàn tỉnh có 100% xã, 70% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới… Lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt kết quả tốt. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Các đối tượng yếu thế được chăm lo hỗ trợ, đỡ đầu. Công tác an sinh xã hội đạt kết quả nổi bật.

“Những kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh đã tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, đồng thời đúc kết được nhiều bài học quý báu, bài học về “giữ vững chí khí chiến đấu”, kiên định mục tiêu, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, tiền đồ tươi sáng của cách mạng.”, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nêu rõ.

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh bày tỏ: Học tập tấm gương Tổng Bí thư Trần Phú và các vị tiền bối cách mạng, trong thời gian tới, Hà Tĩnh nêu cao ý chí, khát vọng, chủ động, sáng tạo với tầm nhìn chiến lược, quyết tâm đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng Nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Bày tỏ niềm vinh dự và tự hào được đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Hà Tĩnh, em Hồ Phương Linh, Chi đoàn lớp 10 Anh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những công lao to lớn của các thế hệ tiền nhân, lớp cha anh đi trước, trong đó có cố Tổng Bí thư Trần Phú đối với nền độc lập, hòa bình hôm nay.

Tại buổi Lễ, bày tỏ niềm vinh dự và tự hào được đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, em Hồ Phương Linh - Chi đoàn lớp 10 Anh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những công lao to lớn của các thế hệ tiền nhân, lớp cha anh đi trước, trong đó có cố Tổng Bí thư Trần Phú đối với nền độc lập, hòa bình hôm nay.

Em Hồ Phương Linh bày tỏ: Noi gương đồng chí Trần Phú và các thế hệ tiền bối, thế hệ chúng em hôm nay sẽ luôn nỗ lực học tập, không ngừng bồi đắp lý tưởng, nuôi dưỡng nhiệt huyết, khát vọng cống hiến, nâng cao giá trị bản thân, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, xây dựng lập trường, tư tưởng, kiên định, vững vàng, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, phấn đấu trở thành những thế hệ thanh niên vừa hồng vừa chuyên, sống có ích cho đất nước, sống nhân ái và trách nhiệm, sống cống hiến và ý nghĩa để xứng đáng với công lao to lớn của Tổng Bí thư Trần Phú và các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng là thế hệ tiếp nối truyền thống của quê hương Hà Tĩnh.

Buổi Lễ kỷ niệm được khép lại với chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” tái hiện những dấu mốc quan trọng trong suốt cuộc đời hy sinh, cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú.

Chương trình nghệ thuật được thể hiện qua 3 chương: Khí phách Hồng Lam; Người cộng sản kiên trung; Quê hương vang mãi lời anh, với những hoạt cảnh múa và hoạt cảnh sân khấu có lời thoại xâu chuỗi các sự kiện về quá trình giác ngộ đi tìm lý tưởng cách mạng của đồng chí Trần Phú, người viết nên Luận cương chính trị và trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; những ngày tháng bị địch bắt tra tấn, tù đày, trước lúc hy sinh để lại lời hiệu triệu bất hủ cho các đồng chí của mình và muôn đời sau “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”…/.

Hiền Hoà – Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN