Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX thông qua 5 nghị quyết phát triển KT-XH
(ĐCSVN) - Các nội dung trình tại kỳ họp đã được các cơ quan tham mưu chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng; các Ban HĐND tỉnh đã chủ động tiếp cận sớm từ khâu xây dựng dự thảo nghị quyết, tiến hành khảo sát, thẩm tra các nội dung đầy đủ theo quy định và tham gia nhiều ý kiến có tính phản biện cao.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Sáng 4/10, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 8 (kỳ họp chuyên đề).
Các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, đoàn thể và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.
Khai mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh: Trong 9 tháng qua, cùng với tình hình chung của cả nước, tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, gây áp lực cho đà phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành các thủ tục đầu tư cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề lần này nhằm kịp thời ban hành các nghị quyết bảo đảm việc triển khai thực hiện nhanh nhất, đúng quy định của pháp luật.
Các đại biểu dự kỳ họp. |
Các nội dung trình tại kỳ họp đã được các cơ quan tham mưu chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng; các Ban HĐND tỉnh đã chủ động tiếp cận sớm từ khâu xây dựng dự thảo nghị quyết, tiến hành khảo sát, thẩm tra các nội dung đầy đủ theo quy định và tham gia nhiều ý kiến có tính phản biện cao.
Với trách nhiệm trước cử tri, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp, đồng chí đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu tham dự kỳ họp trên cơ sở các quy định của pháp luật, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan trong thảo luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thể hiện rõ quan điểm đối với từng nội dung.
HĐND tỉnh đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh khẩn trương tổ chức thực hiện các nghị quyết bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành. Thường trực HĐND, các Ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, phát hiện, kiến nghị thu hồi các dự án không bảo đảm tiến độ, yêu cầu nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Các đại biểu HĐND tỉnh bằng các hình thức phù hợp thông tin đến cử tri kết quả của kỳ họp.
Tiếp đó, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày các tờ trình dự thảo nghị quyết; đại diện Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết. |
Với sự thống nhất cao, 100% các đại biểu HĐND đã thông qua 5 dự thảo nghị quyết gồm: Danh mục các dự án cần thu hồi đất; các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang các mục đích khác năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 tỉnh Bắc Giang; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Ngay sau kỳ họp, đồng chí đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nghị quyết; bố trí nguồn lực, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất./.