Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng

Thứ Ba, 19/10/2021 17:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)– Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng và dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Chiều ngày 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung

 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết: Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 02 đợt:

 Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021). Quốc hội làm việc 02 ngày thứ bảy, 01 ngày chủ nhật. 

Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (06 ngày, từ ngày 08/11 đến ngày 13/11/2021). Quốc hội làm việc 01 ngày thứ bảy.

Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

 Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt chúng ta đang từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. 

Với thời gian 17 ngày làm việc, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 02 dự án luật, 05 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. 

 Đồng thời, xem xét, cho ý kiến đối với 05 dự án luật : Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. 

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó,xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19; dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025…

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). 

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

 Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13. 

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn). 

Lùi thực hiện cải cách tiền lương để tập trung cho an sinh xã hội

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương 7 khóa XII mà Trung ương 4 đã kết luận, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Việc này, Trung ương 7 khóa XII đã chuẩn bị rất kỹ.

Tuy nhiên, ông Cường cho hay, vừa qua do dịch bệnh COVID -19 tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế- xã hội nước ta, không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đời sống mà chúng ta phải chi rất nhiều ngân sách cho công tác phòng, chống dịch.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường  phát biểu tại họp báo. Ảnh: TH. 

Theo Tổng thư ký Quốc hội, việc tăng lương theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 27 là hết sức cần thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có nguy cơ đứt gãy các chuỗi sản xuất, nếu năm nay hết sức cố gắng thì tăng trưởng GDP chỉ đạt trên 3%.

"Nguồn lực đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân cần hơn và cán bộ công chức cũng sẵn sàng, đồng thuận và theo nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII là lùi thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp", ông Bùi Văn Cường nói.

Đề cập đến thời điểm nào sẽ thực hiện cải cách tiền lương, Tổng thư ký Quốc hội cho hay, Trung ương đã giao Chính phủ, các cơ quan liên quan và Quốc hội xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Tuy nhiên, Trung ương cũng xác định, nhóm thu nhập thấp được ưu tiên tăng lương trước. Theo đó, những người có lương hưu trước năm 95 được xem xét trước.

Thông tin thêm về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, thời gian qua, chúng ta thấy là đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương, nhưng so với nhu cầu vẫn chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, đề án vị trí việc làm, tinh giản bộ máy, biên chế song hành cũng chưa đáp ứng yêu cầu. 

“Các điều kiện cần thiết để đáp ứng cải cách tiền lương chưa đạt được yêu cầu", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói. Mặt khác, toàn bộ nguồn lực của quốc gia gần như tập trung đầu tư cho phòng chống dịch COVID-19.

Nhấn mạnh cả nước đang “thắt lưng buộc bụng” lo phòng chống dịch, chờ cơ hội để phục hồi kinh tế, ông Phong cho rằng chỉ đạo của Trung ương lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp. Bởi lẽ các điều kiện cần và đủ chuẩn bị chưa đáp ứng được.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thêm, hôm nay hoặc ngày mai Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN