Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc
(ĐCSVN) - Ngày 29/9, tại Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Toàn cảnh Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh: BCT) |
Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hoan nghênh, đánh giá cao ý nghĩa chuyến công tác và làm việc tại Trung Quốc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Điều này cũng chính là minh chứng cụ thể về vai trò ngày càng quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung đối với nền kinh tế mỗi nước, nhất là trong bối cảnh hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đã bước lên một tầm cao mới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng đề xuất phía Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; trong đó, chú trọng triển khai các văn kiện hợp tác đầu tư và sáng kiến kinh tế số - phát triển xanh đã được hai bên thống nhất; Đề nghị Việt Nam có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các dự án điện; Hợp tác khu công nghiệp; Tiếp tục đàm phán và ký kết MOU về tăng cường hợp tác kinh tế trong chuỗi sản xuất và cung ứng...
Cùng đó, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào cũng kiến nghị giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, trong đó có việc đàm phán và ký kết văn kiện hợp tác thương mại nông sản; Tăng cường hợp tác thương mại điện tử; Tăng cường trao đổi về tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm xuất nhập khẩu; Giải quyết thỏa đáng các vụ điều tra chống bán phá giá...
Về hợp tác đa phương và khu vực, Bộ trưởng Vương Văn Đào đề xuất hai bên thảo luận và hoàn tất tiến trình gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do của các thành viên mới...
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào phát biểu và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh: BCT) |
Nhân dịp 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tại kỳ họp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong 75 năm qua, nhất là từ sau Đại hội XX đến nay.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng dưới sự lãnh đạo kiên cường của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, dưới sự định hướng của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc sẽ xây dựng toàn diện cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai.
Trao đổi về Kỳ họp thứ 13, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Kỳ họp lần này hết sức kịp thời, nhằm quán triệt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào trung tuần tháng 8/2024 vừa qua.
Nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hai bên cần tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng. Trong đó ưu tiên hợp tác về kinh tế số, phát triển xanh. Bởi đây là xu hướng chung và là một trong những động lực của phát triển trong tương lai.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các dự án điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, với sự phát triển nhanh của xe ô tô điện trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam quan tâm và ban hành một số cơ chế, chính sách về phát triển xe ô tô điện như chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện và chính sách ưu đãi khuyến khích sử dụng ô tô điện như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi về lệ phí trước bạ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tích hợp các nội dung về phát triển ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan xây dựng và kiến nghị Chính phủ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích tiêu thụ xe điện.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đề xuất của Bộ trưởng Vương Văn Đào về sáng kiến thúc đẩy hợp tác khu công nghiệp. Đây là một nội dung quan trọng, phía Việt Nam cũng hết sức quan tâm, mục tiêu nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn nữa, nâng cao tính bổ sung lẫn nhau giữa các Khu công nghiệp hai bên.
Liên quan đến đề xuất hợp tác khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương ủng hộ các doanh nghiệp hai bên tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn, cùng ứng phó với tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu. Chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, được ví như tuyến “huyết mạch” của kinh tế thế giới, giúp kết nối các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng với nhau, giúp tạo ra dòng chảy hàng hóa và dịch vụ hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống con người.
Liên quan đến các đề xuất khác của phía Trung Quốc như về: xây dựng dự thảo MOU của Bộ Thương mại Trung Quốc về việc Tăng cường hợp tác kinh tế Chuỗi sản xuất; Đàm phán, ký MOU nông sản, hợp tác về thương mại điện tử… Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sẵn sàng phối hợp với phía Trung Quốc giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm.
6 giải pháp để nâng tầm quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc
Tại Kỳ họp, đưa ra các giải pháp mới để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại song phương hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất:
Thứ nhất, đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt. Hai bên tăng cường hợp tác, đảm bảo thông quan thông suốt tại các cửa khẩu; phối hợp phân luồng thông quan hàng hóa, thông báo trước cho nhau thông tin thông quan đối với các sản phẩm cơ điện, nông thủy sản, trái cây và các hàng hóa khác…
Đề nghị phối hợp phân luồng hàng hóa cân bằng và hiệu quả giữa các cửa khẩu biên giới đất liền. Hiện nay lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn tập trung quá nhiều tại tỉnh Lạng Sơn, trong khi đó, các cửa khẩu khác tại Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai cũng đã được đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi rất tốt, tuy nhiên chưa được khai thác triệt để.
Nghiên cứu, triển khai các mô hình hợp tác giữa các Khu công nghiệp, tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn nữa, nâng cao tính bổ sung lẫn nhau giữa các Khu công nghiệp hai bên.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới. Hiện nay, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa qua các cửa khẩu giữa hai nước cũng như thương mại song phương đang tăng trưởng rất mạnh. Vì vậy, hai bên cần không ngừng nâng cấp, cải thiện hạ tầng cửa khẩu biên giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh: BCT) |
Để nâng cấp hạ tầng cửa khẩu biên giới, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, hai bên thúc đẩy mở mới các địa điểm chỉ định giám sát hải quan đối với trái cây, nông sản, lương thực tại các cửa khẩu đường bộ và đường sắt có đủ điều kiện.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục, sớm khởi công xây dựng cầu biên giới tại Bản Vược (Lào Cai) – Bá Sái (Hà Khẩu); sớm tổ chức Lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) – Kim Thủy Hà (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế; thúc đẩy sớm triển khai xây dựng cầu đa năng tại khu vực cửa khẩu này.
Thứ ba, thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc đã mở cửa thị trường thêm cho nhiều loại nông sản, trái cây Việt Nam như sầu riêng, tổ yến, chanh leo, dừa, thạch đen...; góp phần vào sự gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Trong đó, phải kể đến trái sầu riêng đã trở thành điểm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc (Kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2023).
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam bao gồm các quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả, đồng thời sớm hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với một số trái cây đã được xuất khẩu theo diện truyền thống.
“Đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc thúc đẩy Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc xem xét bỏ mặt hàng tôm hùm bông khỏi danh mục quy định cấm săn bắt, vận chuyển, buôn bán tại Trung Quốc” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất.
Thứ tư, thúc đẩy khai thác các tuyến công-ten-nơ đường sắt. Đề nghị cùng chỉ đạo, định hướng các cơ quan hữu quan hai bên tăng cường phổ biến thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tuyến vận tải công-ten-nơ đường sắt Việt - Trung.
Thứ năm, nghiên cứu mô hình mới để triển khai Khu Hợp tác kinh tế qua biên giới.
Thứ sáu, thúc đẩy thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.
Hiện thực hóa các nhiệm vụ, giải pháp hai Bộ trưởng đã nêu ra tại Kỳ họp, ông Đỗ Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương kiến nghị, hai Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, thúc đẩy các địa phương biên giới của hai nước hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt và thúc đẩy tận dụng tuyến vận tải công-ten-nơ đường sắt Việt - Trung.
Cùng đó, kiến nghị hai Bộ trưởng chỉ đạo hai bên cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình mới để triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt - Trung. Trong đó, triển khai hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực thương mại điện tử và thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trao đổi về Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Thương mại nông sản và dự thảo Bản ghi nhớ về việc Tăng cường hợp tác kinh tế Chuỗi sản xuất, Chuỗi cung ứng.
Phản hồi về các đề xuất của phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam đã xây dựng được các cơ chế hợp tác với các tỉnh, thành Trung Quốc và khẳng định sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng mối quan hệ hợp tác với các địa phương có thế mạnh kinh tế cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa các địa phương hai nước.
Bộ trưởng Vương Văn Đào khẳng định trong suốt những năm qua hai Bộ trưởng đã nỗ lực thúc đẩy và có các biện pháp sáng tạo tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là trong giai đoạn COVID-19.
“Chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần đó, giữ vững liên lạc. Có bất cứ vấn đề gì đồng chí hãy gọi trực tiếp cho tôi, không để ùn tắc nông sản, hàng hoá ở cửa khẩu...”, Bộ trưởng bộ thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào nhấn mạnh.
Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ nhiều hàng hoá xuất khẩu khác của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc như cam có múi, bơ...Về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tôm hùm bông, ông nhắc lại kỷ niệm cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên xử lý vấn đề này trong giai đoạn COVID-19 và cho biết ông đã ăn tôm hùm bông, đánh giá rất cao chất lượng mặt hàng này.
“Hôm nay chúng ta đã trao đổi rất nhiều vấn đề thiết thực và hiệu quả tại kỳ họp thứ 13. Tôi thấy ý kiến của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có nhiều sáng kiến rất hay. Kỳ họp thứ 13 đã thành công tốt đẹp”- Bộ trưởng Vương Văn Đào khẳng định khi phát biểu bế mạc kỳ họp.
Cũng tại Kỳ họp, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề mà cả hai cùng quan tâm và đạt được nhiều nội dung đồng thuận, góp phần gia tăng sự hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau. Hai Bộ trưởng tin rằng, kết quả và sự thành công của Kỳ họp sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để hai bên có thể triển khai hiệu quả phương hướng hợp tác theo chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thức cho nhân dân hai nước, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Cùng với đó kết quả của Kỳ họp sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước láng giềng và tăng cường mối quan hệ mà cả hai cùng mong muốn vun đắp, được xây dựng trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống “đồng chí, anh em”.
Những kết quả của kỳ họp cũng sẽ được hai bên báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước và chuẩn bị thành quả cho các hoạt động đối ngoại quan trọng sắp tới của hai Đảng và hai nhà nước.