Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Krông Pắc (Đắk Lắk) phấn đấu sớm thành huyện nông thôn mới

Thứ Ba, 31/05/2016 11:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nếu như năm 2010, trong số 15 xã của huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) chỉ có duy nhất 1 xã đạt 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì đến nay đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí…

Sống ở thôn xa trung tâm, dân cư thưa thớt chủ yếu là đồng bào dân tộc, gia đình ông Phan Ngọc Bé và bà Đỗ Thị Phú, thôn 8, xã Hòa An, huyện Krông Pắc có hoàn cảnh kinh tế chả mấy khá giả. “Mặt bằng kinh tế chung của thôn còn nhiều khó khăn, hạ tầng nông thôn hạn chế, không có hội trường, xa trường học, đường xá đi lại chả mấy dễ dàng do nằm xen kẽ khu sản xuất nông nghiệp, một số tuyến đường chính được cứng hóa nhưng lại bụi bặm vào mùa nắng…”, ông Bé cho biết.

“Phải làm gì đó để xây dựng quê hương”, đó chính là suy nghĩ của các thành viên gia đình ông Bé khi nhận thấy kinh tế của đất nước, của địa phương còn khó khăn nên không thể bao cấp hết được. Cùng chung quan điểm việc đóng góp phải đem lại lợi ích cho nhân dân địa phương, khích lệ mọi người cùng tham gia, nhận thấy cái cần thiết nhất hiện nay là trường học cho các cháu nhỏ và hội trường để bà con đến sinh hoạt, gia đình ông Bé đã tự nguyện hiến đất xây điểm trường mẫu giáo kiêm hội trường thôn với chiều rộng theo mặt tiền trục đường liên xã Hòa An – Ea Phê là 12m, chiều dài là 20m. “Ở địa điểm này, con em trong thôn đi học thuận tiện, cha mẹ, người dân tới sinh hoạt, đưa đón cũng gần, tranh thủ được thời gian lao động, sản xuất”, ông Bé chia sẻ.

Từ việc làm của gia đình ông Bé, bà Phú mà giờ đây người dân thôn 8, xã Hòa An nói riêng, nhân dân huyện Krông Pắc nói chung đều sẵn sàng hiến đất, góp tiền của, ngày công lao động… để xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở  Krông Pắc đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Xác định tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng – yếu tố quan trọng để thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và hưởng thụ trực tiếp của nhân dân, lãnh đạo Huyện ủy – UBND huyện đã coi phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân nên đầu tư trước, ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng xã để huy động nguồn lực trong nhân dân cho lĩnh vực này như hỗ trợ 30% tổng chi phí, hỗ trợ theo thôn người Kinh, thôn có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số, thôn hậu cứ cách mạng…

Đường giao thông nông thôn tại xã nông thôn mới Hòa Đông do người dân đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng - Ảnh: Minh Thông 

Giờ đây, trên địa bàn huyện đã có 367 km đường giao thông các loại được tu sửa, làm mới trong đó 96 km đường trục thôn được bê tông hóa. Hệ thống các công trình thủy lợi đáp ứng được nước cho sinh hoạt và 77% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; 25 công trình trường học được sửa chữa, nâng cấp; 3 công trình nhà văn hóa – thể thao xã được xây mới cùng với xây, sửa 36 nhà văn hóa thôn, 9 trạm y tế xã; xóa 908 nhà tạm, nâng cấp, xây mới trên 1.000 nhà dân…

Qua thống kê, 5 năm qua, người dân Krông Pắc đã đóng góp hơn 460 tỷ đồng, gần 80 nghìn ngày công, hiến hơn 32,5 nghìn m2 đất, phá bỏ 3.360m tường rào để thực hiện các công trình như đường giao thông, kênh mương, trường học, nhà văn hóa… Đặc biệt, có 43 hộ dân đã tình nguyện góp trên 20 triệu đồng để xây dựng các công trình tại địa phương.

Cùng với những đổi thay về hạ tầng nông thôn, lãnh đạo huyện Krông Pắc cũng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình trong số 66 mô hình phát triển sản xuất được huyện triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng như mô hình trồng cà phê theo hướng bền vững, mô hình trồng sầu riêng, bơ, vải thiều… Nếu như năm 2010 chưa có xã nào của Krông Pắc đạt tiêu chí số 10 về thu nhập thì đến nay đã có 12/15 xã đạt, thu nhập bình quân là 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm.

Nhờ sự đồng thuận của nhân dân và nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên nếu năm 2010, Krông Pắc chỉ có 1 xã đạt 10 tiêu chí, 7 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 7 xã dưới 5 tiêu chí thì đến nay đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Ea Kly và Hòa Đông, 5 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 6 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu phấn đấu trong quý II năm 2016, có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và Krông Pắc trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020, việc phát huy dân chủ ở cơ sở để người dân thực sự là chủ thể, là yếu tố tích cực quyết định thành công của chương trình đã được xác định.

Cùng với việc hỗ trợ, khuyến khích nhân dân tham gia giám sát trong quá trình thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện Krông Pắc cũng có sự thống nhất cao trong việc chú trọng phát triển sản xuất bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, các hình thức liên kết, hợp tác gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ đồng thời tạo điều kiện tối đa nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, để các mục tiêu xây dựng nông thôn mới sớm về đích trên địa bàn huyện.
Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN