Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kon Tum: Tập trung thực hiện Dự án 6 trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN

Thứ Hai, 14/08/2023 08:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm, chiếm tỷ lệ 54,93% dân số toàn tỉnh. Các DTTS ở tỉnh Kon Tum hiện còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa độc đáo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch được UBND tỉnh Kon Tum giao triển khai thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng là vùng đất hội tụ đa sắc màu văn hoá của các dân tộc thiểu số 

Theo Kế hoạch, trong giai đoạn từ 2021 - 2025, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Konn Tum sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện một số hoạt động gồm:

Tổ chức kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về dân tộc học, phục dựng các nghi lễ, lễ hội; khôi phục lại nghề thủ công truyền thống của dân tộc Rơ Măm, tại huyện Sa Thầy.

Kiểm kê, sưu tầm, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei.

Bảo tồn, phục dựng hệ thống nghi lễ nông nghiệp: lễ ăn lúa mới, lễ mở cửa kho lúa, lễ cúng nước giọt, lễ cầu an, lễ cúng cổng làng, lễ ăn than... của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.

Xây dựng Nghị quyết về mức chi hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành

Tổ chức 08 lớp tập huấn nâng cao năng lực của cộng đồng về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cho đội ngũ già làng, thôn trưởng và nghệ nhân. Trong đó có 02 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cho cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn; 02 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng cho đội ngũ già làng, thôn trưởng và cán bộ làm công tác văn hóa tại địa phương; 02 lớp tập huấn về đào tạo bồi dưỡng các kỹ năng kinh doanh du lịch cộng đồng: kỹ năng phục vụ khách, kỹ năng chế biến món ăn… cho đội ngũ thực hiện hoạt động du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; 02 lớp tập huấn kỹ năng hướng dẫn và phục vụ lưu trú; kỹ năng điều hành tour, phục vụ du lịch cho đội ngũ thực hiện hoạt động du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng

Nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể về tập quán xã hội và sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn các huyện: Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi.

Khảo sát xây dựng 02 mô hình: Mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù dân tộc Rơ Măm tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy và Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng của dân tộc Ba Na ở thành phố Kon Tum.

Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư.

Xây dựng 20 mô hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa truyền thống của 07 dân tộc thiểu số tại 10 huyện, thành phố.

Hỗ trợ hoạt động cho 51 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hỗ trợ xây dựng 05 điểm du lịch tiêu biểu (Chỉnh trang nhà vệ sinh, tăng cường trang thiết bị phòng ở, thiết bị phòng sinh hoạt cộng đồng, chỉnh trang cảnh quan đường, bãi đỗ xe…) tại Làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, Làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum; Làng KonBrăpDu, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, Làng Đăk Ri Dốp hoặc làng Đăk Ri Peng 1, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô; Làng KonPring, thị trấn Măng Đen, Thôn Măng Bành, xã Măng Cành, huyện Kon Plông; Làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, Làng Đăk Mế xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi.

Xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số cấp phát cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian,...)

Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số trong các ngày hội, giao lưu, liên hoan nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.

Xây dựng dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Gia Rai, làng Bar Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy.

Hỗ trợ xây dựng 86 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Tu bổ chống xuống cấp 04 di tích cấp quốc gia: Nhà Ngục Kon Tum; Ngục Đăk Glei; Di tích lịch sử và danh thắng Măng Đen, Chiến thắng Plei Kần.

Đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.

Hỗ trợ xây dựng 11 thiết chế văn hóa, thể thao tại 11 xã miền núi trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ trang thiết bị cho 106 thôn, làng vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Xây dựng bảo tàng sinh thái của cộng đồng dân tộc Xơ Đăng huyện Kon Plông

Trong 02 năm (2022, 2023), kế hoạch vốn được giao để thực hiện Dự án 6 trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 45.276 triệu đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển: 34.496 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 10.780 triệu đồng).

Đối với nguồn sự nghiệp để thực hiện 16/19 mục tiêu thuộc Dự án 6. Đối với nguồn vốn đầu tư để thực hiện 4 mục tiêu.

Hiện nay, các nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023 và các nhiệm vụ được giao vốn năm 2023 đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương tích cực triển khai thực hiện, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, phát huy những giá trị văn hóa hiện có, tăng cường ngăn chặn sự mai một văn hóa trước tác động của quá trình hội nhập, phát triển, tạo nền tảng tinh thần trong sự phát triển bền vững.

Hoài Hương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN