Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kon Tum: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tôn trọng và bảo đảm

Thứ Bảy, 28/10/2023 20:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tại tỉnh Kon Tum, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tôn trọng và bảo đảm nên đồng bào tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp.

Tỉnh Kon Tum hiện có 05 tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo), một bộ phận tín đồ là người dân tộc thiểu số. 

Tại tỉnh Kon Tum, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng luôn được chính quyền các cấp tôn trọng và bảo đảm thực hiện 

Xác định bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo qui định của Hiến pháp và pháp luật là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo, trọng tâm là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo tình hình mới”, gắn với triển khai các nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác tôn giáo.

Từ năm 2018 đến 2022, tỉnh và các địa phương, ngành chức năng đã xem xét cho thành lập 05 tổ chức tôn giáo trực thuộc; giải quyết cho 101 trường hợp chức sắc, chức việc được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử và 01 trường hợp bãi nhiệm; tạo điều kiện cho 57 trường hợp chức sắc được thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo; giải quyết giao đất để xây dựng mới 21 công trình tôn giáo; giải quyết cho 32 cơ sở tôn giáo được xây dựng 127 hạng mục, công trình trong khuôn viên cơ sở thờ tự để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 104 điểm nhóm Tin lành và 01 điểm nhóm của đạo Công giáo được sinh hoạt tôn giáo tập trung; giao 220.892,7m2 đất mới cho các tổ chức tôn giáo để xây dựng cơ sở tôn giáo và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 22 cơ sở tôn giáo với tổng diện tích là 206.496,7m2

Cấp ủy các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện để chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với 440 vị và 555 người tham gia ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; kết nạp 286 đảng viên, nâng số đảng viên là người theo tôn giáo trong toàn Đảng bộ tỉnh lên 1.229 người. 

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tranh thủ ý kiến của các tổ chức, chức sắc tôn giáo về một số nội dung liên quan đến công tác tôn giáo để kịp thời phản ánh, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết.

Với số lượng tín đồ phần lớn là người dân tộc thiểu số (chiếm 73% tín đồ) nên yếu tố tôn giáo và dân tộc ở Kon Tum luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Do vậy, tỉnh tập trung hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống thông qua triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác tôn giáo với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong các dự án, chương trình, chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.

Công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được chú trọng, hết quý II/2023, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở  đạt 98,17%, đạt 99,61% kế hoạch; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất đạt 97,89%, đạt 99,43% kế hoạch.

Các cấp, các ngành thường xuyên vận động đồng bào có đạo tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…

Qua đó, đồng bào tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm qui định của pháp luật, tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn./.

Thanh Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN