Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kinh tế- xã hội Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực

Chủ Nhật, 07/02/2016 11:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm 2015, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng bức tranh kinh tế- xã hội và đời sống người dân tỉnh Quảng Nam đã có nhiều khởi sắc. Để rõ hơn về những kết quả này, nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Văn Thu- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:


Đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam


Phóng viên (PV):
Thưa đồng chí, trong điều kiện gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng bức tranh kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, đồng chí có thể cho biết một số kết quả quan trọng này trong năm 2015 vừa qua?

Đồng chí Đinh Văn Thu: Năm 2015, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân… của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự đồng thuận, tích cực nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn, nên bức tranh kinh tế- xã hội của Quảng Nam sau một năm nhìn lại đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Kinh tế tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 11,56%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng lên gần 84%; nông lâm thủy sản giảm còn 16%. Môi trường đầu tư được tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 xếp 14/63 tỉnh, thành phố; tỉnh đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 18.630 tỷ đồng, chiếm 30,5% GRDP, tăng 12% so với năm 2014.

Cùng với kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông, thể dục thể thao tiếp tục phát triển. Đặc biệt, công tác giảm nghèo đạt được kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá 12,1 % năm 2014 xuống còn 9%. Địa phương cũng đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, đối tượng xã hội trên địa bàn.

Riêng khu vực nông thôn, miền núi, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt một số kết quả tích cực đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh. Hiện tỉnh đang hoàn thành hồ sơ để công nhận huyện Phú Ninh đạt chuẩn Nông thôn mới.

Cùng với những kết quả trên, đóng góp phần quan trọng và quyết định vào thành công của Quảng Nam trong năm qua là sự năng động, quyết liệt trong tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư của lãng đạo Đảng, chính quyền và đoàn thể của tỉnh. Theo đó, các cấp, các ngành cũng đã chỉ đạo chuyển kế hoạch đầu tư hàng năm sang cơ chế quản lý, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Thực hiện tốt Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đầu tư công; quyết toán vốn đầu tư theo niên độ đảm bảo đúng quy định, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Đã khánh thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm như: cầu Cửa Đại, cầu Kỳ Phú 1,2; Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Bảo tàng tỉnh; khởi công xây dựng cầu Giao thủy....Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, thu hút y, bác sỹ, khai thác tốt các nguồn học bổng trong và ngoài nước... nhằm mục tiêu phát triển nhân lực đảm bảo về số lượng, đạt chất lượng cung ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 54%, cao hơn so với cả nước và vượt kế hoạch đề ra.

Tỉnh cũng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, nâng cao hoạt động phối hợp theo cơ chế “1 cửa liên thông”, tổ chức ngày tiếp doanh nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp kịp thời xử lý ngay những vướng mắc cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án chiến lược, công nghệ sạch, đảm bảo môi trường được quan tâm chỉ đạo tích cực….

 PV: Ngoài những nội dung đã kể, trên lĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh trong năm qua, đồng chí có muốn nhấn mạnh, chia sẻ thêm điều gì ?

Đồng chí Đinh Văn Thu: Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2015 đã được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra nhiều khởi sắc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì và có tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội. Tỉnh đã tập trung xây dựng mới 80 Trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn và các di tích trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó mới đây tỉnh đã được Chính phủ công nhận 2 bảo vật quốc gia là Ekamukhalinga (được phát hiện ở Mỹ Sơn) và đầu tượng thần Shiva (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa 7 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 50 di tích quốc gia. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi có nhiều tiến bộ, sưu tầm và bảo tồn các làn điệu dân ca, nhạc cụ, truyện cổ các dân tộc.

Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục tăng trưởng, khách tham quan lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt 3.850.000 lượt người, tăng 4,6% so với năm 2014, trong đó khách quốc tế đạt 1.117.000 lượt, tăng 5,67%; doanh thu du lịch năm 2015 ước đạt 2.570 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2014. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 6.039 tỷ đồng.

Trong năm 2015, tỉnh đã tập trung tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và tỉnh phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt, việc khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - Một công trình văn hóa có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh, ghi nhớ công lao to lớn của Người mẹ Việt Nam - tiêu biểu là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã có những hy sinh vô giá vì sự trường tồn của đất nước, của dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự bình an và hạnh phúc của nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng đã tham gia trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Tượng đài và đến nay, đã có 22 tỉnh, thành phố hiến tặng tư liệu, hình ảnh, hiện vật để phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nhân đây, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, các tập thể và cá nhân trên cả nước đã quan tâm ủng hộ, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được triển khai xây dựng thành công trên quê hương Quảng Nam.

Năm 2015, Quảng Nam đưa công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng vào sử dụng. 
Và đây cũng là một trong các địa chỉ thu hút đông đảo du khách đến tham quan tại Quảng Nam

PV: Trên cơ sở những kết quả đáng mừng của năm 2015, bước vào năm 2016, Quảng Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để tiếp tục đưa nền kinh tế- xã hội phát triển cũng như nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn, thưa đồng chí ?

Đồng chí Đinh Văn Thu: Năm 2016, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, đồng thời đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, UBND tỉnh Quảng Nam xác định chọn năm 2016 là năm đột phá trong thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực. Bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng hợp lý. Thực hiện tốt các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.  

Trong các nhiệm vụ đặt ra đó, Quảng Nam sẽ ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; hỗ trợ phát triển các ngành ưu tiên như: nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Quan tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tập trung vào các lĩnh vực có đóng góp cho doanh thu ngân sách tỉnh và có tiềm năng tăng trưởng bền vững. Tái cơ cấu các ngành theo hướng giảm dần đầu vào là tài nguyên, lao động giản đơn, tăng dần hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm nhằm tăng năng suất lao động. Phát triển một số cụm ngành chủ chốt và các cụm đô thị trọng điểm để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển nông thôn. Phát triển công nghiệp bền vững, gắn liền với phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Phát triển du lịch bền vững và chú ý phát triển du lịch văn hóa và sinh thái mà trung tâm lan tỏa là hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An. Chú trọng đầu tư đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá. Trong đó về hạ tầng sẽ thúc đẩy Trung ương đầu tư và hoàn thành các công trình trên địa bàn như: Đường cao tốc, Đường Đông Trường Sơn; cầu Giao Thủy, nâng cấp quốc lộ 14G, mở rộng quốc lộ 40B, kết nối các tuyến đường cao tốc với Quốc lộ 1 và đường ven biển Việt Nam; phát triển cảng Hàng không Chu Lai; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt…

Quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội gắn với giảm nghèo bền vững. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các Chương trình, dự án giảm nghèo, tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống; phấn đầu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-2,5%.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xem đây là nhiệm vụ đột phá, trọng tâm trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm ma túy, mua bán người. Kiên quyết triệt phá các băng nhóm tội phạm. Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, phấn đấu giảm tỷ lệ tai nạn giao thông.

Với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, hy vọng năm mới 2016 Quảng Nam sẽ đạt được các mục tiêu cơ bản của năm 2016, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !

 

Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN