Kinh tế thế giới trước “liều thuốc thử” COVID-19
(ĐCSVN) - Đầu phiên giao dịch sáng 9/3, các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt giảm do tâm lý lo ngại của giới đầu tư về tác động mạnh của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế.
Chứng khoán châu Á mở đầu tuần mới bằng một phiên giao dịch ngập sắc đỏ do tâm lý lo ngại từ COVID-19. (Ảnh: AFP) |
Trong khi đó, giá dầu cũng giảm hơn 20% sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia giảm giá bán chính thức vào thời điểm nhu cầu “vàng đen” đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự bùng phát dịch COVID-19.
Những diễn biến trên cho thấy, sau nhiều tháng phải đương đầu với những nguy cơ bất ổn, nền kinh tế thế giới nay lại đối mặt với “liều thuốc thử” mang tên COVID-19.
Trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số chứng khoán Nikkei giảm 5,6%; thị trường hàng hóa của Australia giảm 5,9%; chỉ số Kospi của Hàn Quốc tụt 3,5%.
Dù mở cửa sau, nhưng bức tranh thị trường chứng khoán tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục cũng không mấy sáng sủa khi chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 3,87% xuống còn 25.134,02 điểm. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải mất 1,56% xuống còn 2.987,18 điểm và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến giảm 1,66% xuống mức 1.883,35 điểm.
Tại Singapore, chỉ số Straits Times Index của thị trường chứng khoán giảm 118,76 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng cùng ngày, giá dầu đã giảm hơn 20%, mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm 1991 sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác "vàng đen" và Saudi Arabia giảm giá dầu. Theo đó, giá dầu thô Brent tương lai giảm 9,62 USD xuống mức 35,65 USD/thùng trong phiên giao dịch hỗn loạn. Còn giá dầu thô Mỹ đã giảm 8,91 USD xuống còn 32,37 USD/thùng.
Bà Helima Croft, người đứng đầu hoạt động nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Công ty RBC cảnh báo, những biến động về giá cả này có nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe tài chính của các nhà sản xuất, trong khi việc cắt giảm ngân sách và gia tăng các khoản nợ lại đang bắt đầu xuất hiện trong trường hợp giá bán bị đẩy xuống mức thấp trong một thời gian dài.
“Đối với các nước có nền sản xuất dễ bị tổn thương về kinh tế và chính trị, thì thiệt hại thậm chí có thể tới mức nghiêm trọng” – bà Croft nói.
COVID-19 và những kịch bản tác động đến nền kinh tế thế giới
Chủ tịch FED Jerome Powell thông báo về quyết định hạ lãi suất trong cuộc họp báo ngày 3/3 (theo giờ địa phương). (Ảnh: REUTERS) |
Trong báo cáo đánh giá tác động kinh tế của dịch bệnh COVID-19 đưa ra vào cuối tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với “rủi ro nghiêm trọng nhất” kể từ sau khủng hoảng tài chính.
Các thị trường toàn cầu đã có nhiều biến động trong quãng thời gian 2 tuần qua và các chuyên gia không đặt nhiều hy vọng rằng tình hình sẽ sớm được ổn định trở lại. Thậm chí trước sự lan rộng của COVID-19 tại châu Âu, Trung Đông và Mỹ thì dịch bệnh nguy hiểm này hiện không chỉ được xem là “một cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc”, hay “cuộc khủng hoảng tại châu Á” mà còn trở thành một mối đe dọa đối với cả thế giới.
Mới đây, hai gã khổng lồ công nghệ của Mỹ là Apple và Microsoft cũng lên tiếng thừa nhận trước giới đầu tư rằng, các hãng này không kỳ vọng đạt được các dự báo tăng trưởng trước đó do những nguy cơ từ COVID-19.
Báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế thế giới do OECD đưa ra mới đây cũng đưa ra dự báo “mờ nhạt” về triển vọng hồi phục của nền kinh tế thế giới. Theo tính toán, ngay cả khi kịch bản lạc quan nhất trở thành sự thật là virus Corona được kiềm chế trên diện rộng, với sự bùng phát hạn chế bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, thì tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020 vẫn bị hạ từ mức vốn đã thấp là 2,9% xuống chỉ còn 2,4%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng tại Nhật Bản và Trung Quốc cũng bị kéo xuống mức lần lượt còn 0,2% và 4,9%, so với dự báo trước đó là 0,6% và 5,7%.
Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tại các nền kinh tế phát triển, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể bị kéo xuống mức 1,5% trong năm nay – chỉ còn một nửa so với dự báo được đưa ra từ tháng 11 năm ngoái. Nhật Bản và khu vực sử dụng đồng ơ-rô cũng được cảnh báo là sẽ bị cuốn vào suy thoái nếu kịch bản trên trở thành hiện thực.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Cục Dữ trữ liên bang (FED) Mỹ, hôm 3/3 đã cắt giảm lãi suất trong động thái khẩn cấp nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới trước tác động tiêu cực từ sự lây lan của COVID-19. Trong thông báo đưa ra, FED cho biết đã cắt giảm lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất xuống mức mục tiêu là 1,25%-1,5%. Dự kiến, trong ngày 18/3 tới, FED sẽ tiếp tục triệu tập một phiên họp khẩn nhằm đưa ra những chính sách mới để ứng phó với tình hình.
Hiện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã lên kế hoạch nhóm họp vào ngày 12/3 tới, trong bối cảnh đang phải đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng về chính sách, cho dù đã lãi suất tiền gửi hiện đã được ECB duy trì ở mức thấp kỷ lục – 0,5%.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 3/3, Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc ngân hàng trung ương thuộc nhóm G7 đã ra tuyên bố chung với cam kết sẽ sử dụng “mọi công cụ chính sách phù hợp để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và chống lại những nguy cơ giảm tốc”./.