Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kinh tế Nhật Bản phục hồi trong quý IV/2021

Thứ Ba, 15/02/2022 18:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 15/2, Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo dữ liệu cho thấy, nền kinh tế nước này đã phục hồi trở lại trong quý IV/2021 trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 giảm đã giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.

Kinh tế Nhật Bản phục hồi trong quý IV/2021 nhờ số ca mắc mới COVID-19 giảm. (Ảnh: Kyodo)

Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong quý IV/2021 ước tăng 1,3% so với quý trước đó và 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, yếu tố chủ yếu giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng trở lại trong quý cuối cùng của năm ngoái là việc chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ đầu tháng 10, khi số ca nhiễm mới giảm mạnh, từ đó giúp chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) hồi phục mạnh mẽ.

Trong quý này, PCE, vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản, tăng tới 2,7% so với quý trước đó. Bên cạnh đó, việc kim ngạch xuất khẩu tăng 1% cũng đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Daiwa, Wakaba Kobayashi cho biết: “Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tiêu dùng dịch vụ như khách sạn, nhà hàng và giải trí đã tăng mạnh”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đà tăng trưởng nền kinh tế Nhật Bản sẽ chậm lại trong quý I/2022 do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh chóng đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình.

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), sự phục hồi nền kinh tế Nhật Bản vẫn chậm hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác, buộc cơ quan này tiếp tục giữ nguyên chính sách tiền tệ lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, ngay cả khi các ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu tăng lãi suất.

Số ca lây nhiễm COVID-19 tăng đột biến do biến thể Omicron đã buộc chính phủ Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hầu hết các khu vực và đóng cửa biên giới, đã làm giảm chi tiêu tiêu dùng kể từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, chi phí nhập khẩu leo thang đã làm gia tăng rủi ro đối với sự phục hồi mong manh của Nhật Bản.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cũng nhấn mạnh căng thẳng leo thang tại Ukraine là một rủi ro mới đối với dự báo của Ngân hàng Trung ương về triển vọng phục hồi nền kinh tế.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 15/2, ông Haruhiko Kuroda cho rằng: “Căng thẳng  leo thang tại Ukraine đã làm tăng giá nhiên liệu và hàng hóa, điều này có thể có những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu và Nhật Bản không phải ngoại lệ”.

Nhà kinh tế cấp cao của công ty BNP Paribas Securities Hiroshi Shiraishi dự đoán, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản quý I/2022 sẽ vào khoảng từ 1-1,5%./.

H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN